Quái xế nhiều tỉnh về Hà Nội náo loạn
Ngày 20/12, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đang tạm giữ 69 mô tô phân khối lớn của nhóm "quái xế" chạy tốc độ cao, gầm rú gây náo loạn, mất trật tự an toàn giao thông trên đường Võ Chí Công, Lạc Long Quân… và quanh các đường lân cận ven hồ Tây, cầu Nhật Tân.
Qua làm việc ban đầu, nhóm "quái xế" này đến từ các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên… chứ không chỉ riêng Hà Nội. Bước đầu xác định một số hành vi vi phạm của nhóm "quái xế" gồm có: Thay đổi kết cấu xe, không giấy phép lái xe, không giấy tờ xe và vi phạm quy định phòng chống dịch.
Các đối tượng sử dụng mô tô phân khối lớn
Trước đó, tối 18/12, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận Tây Hồ (Công an thành phố Hà Nội) đã huy động các tổ công tác 141 tiến hành hóa trang kết hợp với lực lượng công khai tuần tra kiểm soát, cắm chốt dọc đường Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân và khu vực ven hồ Tây, đã chặn bắt và tạm giữ hơn 100 mô tô phân khối lớn, độ chế chạy tốc độ cao, gầm rú, lạng lách, đánh võng gây náo loạn, ảnh hưởng cho người cùng tham gia giao thông.
Ngay sau khi bắt giữ nhóm "quái xế", các tổ công tác đã bàn giao các phương tiện và những người tham gia cho Công an địa bàn quận Tây Hồ lập hồ sơ giải quyết.
Được biết, ban đầu Công an quận Tây Hồ đã xác định được 69 trường hợp điều khiển xe mô tô phân khối lớn và đang tiến hành phân loại lỗi vi phạm để xử lý.
Các đối tượng ở nhiều tỉnh thành khác nhau, hẹn nhau qua mạng xã hội rồi tụ tập về nội thành Hà Nội để lạng lách
Trước đó, rạng sáng 22/11, gần 40 "quái xế" đã bị các lực lượng Công an thành phố Hà Nội tổ chức vây bắt khi đang tổ chức đua xe, lạng lách, đánh võng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dù còn ít tuổi nhưng sự liều lĩnh, manh động của những “quái xế” tuổi teen này đã khiến lực lượng cảnh sát vô cùng vất vả, thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm tính mạng trong quá trình vây bắt.
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Hải, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 12, thời gian qua, nhiều người dân sinh sống trên đường Võ Chí Công và quận Tây Hồ vô cùng bức xúc về hiện tượng hằng đêm, hàng trăm thanh, thiếu niên sử dụng xe mô tô đã thay đổi kết cấu, chủ yếu là độ ống xả to gây tiếng ồn, Công an thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp cùng các đơn vị xử lý triệt để.
Xử lý nghiêm vi phạm
Hành vi nẹt pô, rú ga liên tục thường gây đến nhiều phiền toái cho người đi đường cũng như cộng đồng dân sư sinh sống xung quanh.
Thực tế, có không ít vụ việc vì tiếng nẹt pô lớn khiến người đi đường giật mình dẫn đến tai nạn.
Đáng chú ý, trong thời điểm cuối năm, tình trạng những nhóm thanh niên sử dụng xe mô tô phân khối lớn chạy thành đoàn trên các tuyến đường vừa nẹt pô vừa rú còi inh ỏi khiến nhiều người bức xúc. Thậm chí trong khu dân cư, vẫn thường có các xe mô tô phân khối lớn đi vào, nẹt pô ầm ĩ ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của người dân.
Nhiều "quái xế" đã bị lực lượng chức năng vây bắt
Ông Vũ Văn Tần (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, dịp gần đây, nhiều thanh niên đi mô tô, có cả xe phân khối lớn chạy ầm ầm qua đường tạo những âm thanh kinh khủng. Bức xúc nhất là những tay lái điều khiển xe chạy rất nhanh, đánh võng nên rất nguy hiểm cho người đi đường. Nhìn cả đoàn xe ầm ầm chuyển bánh mà tôi lạnh cả gáy, vì họ chạy quá nhanh, nếu đụng vào phương tiện khác thì sẽ gây ra hậu quả lớn”.
Ghi nhận từ thực tế, không chỉ những xe mô tô phân khối lớn mới gắn những chiếc pô “khủng” để thị uy người đi đường mà một số người điều khiển các loại ô tô thể thao (hoặc siêu xe) cũng thường dùng pô “độ” nhằm tạo ra tiếng kêu lớn. Việc loại xe này phát ra âm thanh to hơn mức bình thường mà nhà sản xuất chế tạo khiến nhiều người ức chế, khó chịu. Mâu thuẫn xảy ra nhẹ thì dẫn đến va chạm giao thông, nghiêm trọng hơn thì có thể gây thương tích cho nhau.
Có thể nói, ống pô và vị trí lắp đặt do nhà sản xuất thiết kế sẵn phù hợp với từng loại xe. Dù vậy, không ít chiếc xe mô tô, ô tô được người sử dụng “độ” lại để tăng âm thanh theo sở thích. Chủ nhân của những chiếc xe có tiếng kêu “khủng” này lý giải, đây vừa là đam mê vừa “nâng cấp”, lên đời cho phương tiện nhằm thể hiện cá tính và “đẳng cấp” của bản thân.
Không chỉ xe phân khối lớn, xe mô tô bình thường cũng được "độ" để lên đời, che biển số để tránh lực lượng chức năng
Tại các nhóm, hội chơi xe trên Facebook, nhiều người thường xuyên chia sẻ cách để “độ” những chiếc pô vào xe cũng như gắn các thiết bị tăng, giảm âm thanh nhằm tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt. Giá của những thiết bị này từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy thuộc vào chất lượng mặt hàng.
Quá trình ghi nhận thực tế, lực lượng chức năng cho hay, để xử lý tình trạng này lực lượng chức năng gặp khó khăn bởi khi đi qua chỗ có công an, họ chạy rất nghiêm túc. Nếu phát hiện phương tiện gắn pô xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất mới xử lý. Trong khi đó, mức phạt của pháp luật hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Cuối năm là thời điểm lực lượng chức năng ra quân trên mọi mặt trận để đảm bảo an ninh trật tự
Bên cạnh thường xuyên làm công tác tuần tra, kiểm soát trên đường, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tăng cường kiểm tra, xử lý những cơ sở, tiệm sửa chữa xe máy mua bán những thiết bị dùng để “độ” pô xe. Trong đó, cần xử lý theo hướng phạt nặng về mặt hành chính để cả người muốn “độ” pô lẫn chủ tiệm xe không dám vi phạm.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người có hành vi này tùy từng trường hợp mà sẽ bị xử lý hành chính với các mức phạt khác nhau, cụ thể:
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định (Theo điểm c Khoản 3 Điều 6).
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; Bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định (Theo điểm b Khoản 3 Điều 5).
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định (theo điểm d khoản 3 Điều 7).
|
Hoa Thành - TTTĐ