Xử lý hành vi vu khống theo Bộ luật Hình sự 2015
Kinhte&Xahoi
Vu khống, được hiểu là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác...
Tội vu khống có các dấu hiệu sau:
- Có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm đến danh dự của người khác hoặc để gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Ví dụ: Nhân viên cơ quan mượn danh người khác, đã làm đơn tố cáo là trưởng phòng của mình có hành vi nhận tiền của khách hàng nhưng không thực hiện công việc nào đó (nhưng thực tế, sự việc không có thật) nhằm để hạ uy tín và làm cho trưởng phòng bị kỷ luật phải bị mất chức.
Người phạm tội thực hiện hành vi này có thể bằng cách nói trực tiếp hoặc thông qua các phương thức khác như qua đơn thư, phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin qua điện thoại di động…
- Có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này được thể hiện qua việc ngưòi phạm tội tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác và biết rõ điều đó là bịa đặt (việc biết rõ điều mình loan truyền là bịa đặt là dấu hiệu bắt buộc) nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó (như nói cho những người khác biết, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng…) cho người khác.
- Có hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Được thể hiện qua việc tự mình bịa ra rằng người khác có hành vi thực hiện một tội phạm nào đó và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước như: Công an, Viện kiểm sát… mặc dù thực tế người này không phải là người thực hiện những hành vi phạm tội đó.
Về hậu quả: Trong trường hợp các hành vi nêu trên không có mục đích nhằm xúc phạm danh dự của người khác thì hậu quả gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Hành vi nêu trên xâm phạm đến danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích xúc phạm danh dự của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Ảnh minh họa
Về hình phạt
Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:
– Khoản 1: Có mức hình phạt là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.
– Khoản 2: Có mức phạt tù từ một năm đến bảy năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với nhiều người (từ hai người bị hại trở lên); Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho chính người phạm tội (cho mình); Đối với người thi hành công vụ; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (tội rất nghiêm trọng là tội nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối vói tội đó là đến mười lăm năm tù. Tội đặc biệt nghiêm trọng là tội gây nguy hại đặc biệt cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).
– Hình phạt bổ sung (Khoản 3): Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị:
+ Phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng.
+ Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo KD&PL