Vi phạm chủ yếu diễn ra trên phần diện tích đất nông nghiệp, ao hồ, đất phục vụ cho Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội. Điều đáng nói là sự việc hiện vẫn tiếp diễn nhưng chính quyền chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để vi phạm...
Khu đất Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội trên địa bàn xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) đang bị san lấp, sử dụng trái quy định.
Đất nông nghiệp ngập trong phế thải
Ngày 10-10, có mặt tại xứ đồng Nà Gạo, xã Ngọc Hồi, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy trên nền khu đất thực hiện Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội còn hằn nguyên dấu vết của các xe trọng tải lớn mới vào khu vực đổ trộm phế thải.
Theo quan sát, để ngăn chặn các lái xe vào khu vực đổ trộm, tại đây, chính quyền đã đặt biển cấm, dựng bốt tuần tra, nhưng sau nhiều giờ đồng hồ phóng viên vẫn không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng ứng trực. Để tiện cho việc kinh doanh, trông giữ phương tiện, các chủ bãi ở đây còn dựng lều lán, đặt container, thậm chí còn xây cả nhà cấp 4 trên đất vi phạm.
Hiện nay trên khu đất thực hiện Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội trên địa bàn xã Ngọc Hồi có 14 trường hợp được ký hợp đồng thuê đất với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì. Vì vi phạm chủ yếu diễn ra vào đêm khuya nên UBND xã đã giao tổ công tác đất đai, trật tự xây dựng tăng cường kiểm tra, thành lập chốt trực tại khu đất để ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải.
Tình trạng tự ý san lấp đất nông nghiệp để có mặt bằng kinh doanh, cho thuê kiếm lời còn diễn ra trên đường Chu Văn An, đường Nguyễn Xiển, đoạn qua địa bàn xã Tân Triều. Mặc dù từ đầu năm 2022 đến nay, chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp đối với 3 trường hợp (hộ các ông: Đỗ Hồng Kỳ, Nguyễn Ngọc Tú và Hoàng Tiến Hoan), nhưng chỉ sau một thời gian, một số người dân lại đổ rác, phế thải ở khu vực này.
Việc đổ trộm phế thải và tự ý san lấp đất nông nghiệp để có mặt bằng sản xuất, kinh doanh mới đây cũng diễn ra trên địa bàn các xã: Đại Áng, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh… Tiếp xúc với người dân địa phương, được biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do hiện nay sản xuất nông nghiệp không đạt hiệu quả về kinh tế. Mặt khác, còn bởi tốc độ đô thị hóa ở địa phương đang diễn ra nhanh, giá đất ngày một đẩy lên cao, nhiều hộ muốn chuyển đổi mục đích, mô hình sản xuất nên dẫn đến hành vi vi phạm.
Cần sớm ngăn chặn
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Văn Lăng cho biết, các đối tượng vận chuyển rác, phế thải thường lợi dụng đêm tối để hoạt động, trong khi lực lượng ứng trực mỏng. Tháng 7-2023, chính quyền địa phương đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 5 trường hợp vi phạm Điểm a, Điều 15, Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhưng vẫn còn tình trạng san lấp, xây dựng lều lán cho tiện kinh doanh.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi Nguyễn Việt Hưng, nguyên nhân 64,4ha đất nông nghiệp trên địa bàn hiện đang bị san lấp, sử dụng sai mục đích là do sau khi giải phóng mặt bằng và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì quản lý, đến nay, sau gần 5 năm, đơn vị này vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai công tác bàn giao mốc giới cho Ban Quản lý dự án đường sắt quản lý.
Cũng vì đất sau khi giải phóng mặt bằng chưa được bàn giao mốc giới nên từ năm 2019 đến nay, việc đổ trộm phế thải, san lấp trái phép ở đây vẫn diễn ra thường xuyên. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì Trương Hồng Quân cho rằng, trách nhiệm ngăn chặn xe chở phế thải đến đổ trộm phải thuộc về lực lượng công an và chính quyền địa phương, còn Trung tâm Phát triển quỹ đất chỉ quản lý khu đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, để ngăn chặn việc đổ trộm phế thải, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì vừa cho triển khai xây dựng rào chắn bảo vệ mặt bằng khu đất 64,4ha trên địa bàn xã Ngọc Hồi.
Từ nội dung trên, có thể thấy tình trạng đổ trộm phế thải cũng như tự ý san gạt, sử dụng trái phép đất nông nghiệp, đất dự án trên địa bàn huyện Thanh Trì thời gian qua xuất phát một phần từ việc giữa chính quyền với chủ dự án chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này và cũng là để tránh tình trạng xử lý xong lại tái diễn vi phạm, đề nghị UBND huyện Thanh Trì sớm có biện pháp quyết liệt, tăng cường phối hợp để ngăn chặn, xử lý triệt để vi phạm.
Nguyên Hà - Hà Nội mới