Năm 2023 đánh dấu sự trầm lắng, đầy khó khăn và liên tục đối diện thách thức của nền kinh tế thế giới, đẩy các quốc gia vào tình thế bị động. Những thách thức đó đến từ nhiều yếu tố của hiện tại và cả vấn đề lưu cữu từ trước. Có thể nói, kinh tế thế giới thiếu hẳn 3 điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.
Khó khăn song hành bị động
Hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phục hồi, lấy lại sự ổn định của kinh tế toàn cầu.
Hậu quả của sự đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm đầu tư, tổng cầu thấp, bùng phát giao tranh giữa một số quốc gia... đã đẩy kinh tế thế giới vào tình thế bất lợi, đầy rủi ro, cũng như rất khó đoán định để ứng phó.
Trước tình cảnh đó, hầu hết các khu vực, quốc gia đều chọn cách "thủ thế" để giảm thiểu sự thiệt hại thay vì tập trung cho mục tiêu tăng trưởng. Những thực tế rất nghiêm trọng nói trên lại cộng hưởng với yếu tố khác, tuy ít ảnh hưởng hơn, như sự biến đổi khí hậu, thiên tai… đã “dệt” nên bức tranh kinh tế thế giới năm 2023 thiếu màu sáng. Như nhận định của giới chuyên gia và các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới năm 2023 thật sự ảm đạm.
Tuy vậy, theo Dự báo kinh tế mùa thu 2023 của EU, mặc dù kinh tế toàn cầu đã giảm tốc trong quý II-2023 nhưng vẫn duy trì tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023.
Tăng trưởng toàn cầu năm 2023 dự báo đạt mức 3,1%, tức được điều chỉnh tăng 0,3% so với dự báo trong tháng 5-2023.
Một số tổ chức kinh tế khác cũng dự báo mức tăng trưởng là 3% cho năm 2023. Trong đó, khu vực châu Á mới nổi và Trung Quốc dự kiến sẽ đóng góp khoảng 60% cho tăng trưởng toàn cầu trong thời gian tới.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định, dù đã rất nỗ lực nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu chững lại.
Những cú sốc tiêu cực từ cuộc xung đột ở Ukraine và việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của các quốc gia khi các ngân hàng trung ương ứng phó với lạm phát vượt mục tiêu, tăng trưởng toàn cầu đã phục hồi ngoài mong đợi.
Dự báo gần đây nhất cho biết, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 đạt 2,9%, tức là được điều chỉnh giảm 0,1% so với dự báo trong tháng 9-2023.
Diễn biến là tăng trưởng đã chậm lại ở nhiều nền kinh tế phát triển, đặc biệt ở châu Âu. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã duy trì tăng trưởng GDP ở mức tốt hơn, đồng thời các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng duy trì tốc độ tăng trưởng gần bằng mức trước đại dịch.
Năm 2024 khó có sự phục hồi đáng kể
Điều đáng lo ngại là, ở thời điểm cuối năm 2023, nhiều định chế kinh tế quốc tế uy tín vẫn tỏ ra e dè, thiếu lạc quan khi nhìn nhận, dự báo về tình hình kinh tế toàn cầu trong năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo giảm nhẹ do tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ, sức cầu yếu trên diện rộng và tình trạng suy thoái của kinh tế Trung Quốc, cũng như một số nền kinh tế lớn sẽ còn tiếp diễn.
Đơn cử, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 2,7% trong năm 2024. Nguyên nhân là việc thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ đầu năm 2022 dẫn tới tăng lãi suất ở nhiều nền kinh tế và làm chậm lại tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, chính sách tài khóa cũng dự kiến vẫn sẽ theo hướng hạn chế ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là vào năm 2024 khi các biện pháp hỗ trợ năng lượng sẽ giảm dần.
Dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro chỉ đạt mức 0,9% năm 2024. Còn theo IMF, tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro dự báo tăng lên mức 1,2% trong năm 2024 (năm 2023 tăng 0,7%). Tuy vậy, đó là sự điều chỉnh giảm 0,3% so với dự báo đưa ra vào tháng 7-2023 cho năm 2024.
Tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ chậm lại, ở mức 4,5-4,7% trong năm 2024. Các tổ chức quốc tế cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, Ấn Độ cũng vẫn chậm, thiếu sự cải thiện rõ nét trong năm tới.
Kinh tế Mỹ tuy có chiều hướng tích cực hơn so với các dự báo trước đó khi tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp đều tiếp tục tăng, đồng thời tình trạng lạm phát đã được kiềm chế khá tốt.
Nhưng hiện vẫn còn những đánh giá trái chiều, khó thống nhất trong việc dự báo về sức tăng trưởng của Mỹ, lại càng khó suy đoán về khả năng đóng góp, hỗ trợ đối với tăng trưởng kinh tế thế giới của đầu tàu kinh tế này trong năm 2024.
Nhìn chung, xét về đối sách thì năm 2024 nhiều quốc gia sẽ chủ động cắt giảm lãi suất, khống chế lạm phát kết hợp kích cầu nhằm từng bước thúc đẩy sản xuất, cải thiện mức trao đổi thương mại.
Đương nhiên, vấn đề cũng nằm ở chỗ dự báo, phân tích dựa trên cơ sở của các diễn biến, tác động từ những yếu tố, điều kiện khách quan và chủ quan; mà chưa thể tính hết các yếu tố bất ngờ. Hiện tại còn quá sớm để “chốt” toàn bộ hoạt động kinh tế toàn cầu trong suốt một năm tới.
Tình hình sẽ bớt căng thẳng, không xuất hiện cú sốc nếu xung đột địa chính trị được khống chế, giảm thiểu, bên cạnh sự ổn định của thị trường năng lượng, nhiên liệu, cũng như hiệu quả ứng phó của các nền kinh tế lớn.
Tóm lại, dường như chưa thấy dấu hiệu ấm áp của mùa xuân và kinh tế năm 2024 được cho là tiếp tục trong tình trạng “mùa đông” kéo dài từ năm 2023 chuyển qua…
Hồng Sơn - Hà Nội mới