Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng dương
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy xuất khẩu cá tra tăng gần 90% so với năm trước. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu Tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI) đã đi “nước cờ khai cuộc” thu về con số ấn tượng lợi nhuận sau thuế quý I/2022, đạt 201 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Vừa qua, cuộc xung đột chính trị Nga - Ukraina đã tác động đến nhiều góc của kinh tế thế giới từ giá xăng dầu tăng, cước vận tải biển, chi phí logistics cao hơn cũng ảnh hưởng đến thương mại thủy sản toàn cầu.
Mặc dù vậy, xuất khẩu thủy sản vẫn ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực trong đó, vị trí “vedette” thuộc về cá tra Việt Nam giá tăng liên tục từ 40 - 70% mở đường cho các mặt hàng thủy sản khác tiếp đà tăng theo.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, VASEP báo cáo lượng xuất khẩu cá tra của cả nước ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022, ngành cá tra lên kế hoạch sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6 - 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Xuất khẩu cá tra tăng trưởng trở lại
Thế nên, IDI đã vẽ nên bức tranh hoạt động kinh doanh “hoành tráng”, đặt kế hoạch doanh thu ước đạt 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng lần lượt 45% và gấp 6,3 lần so với năm 2021. Với lượng đơn hàng xuất khẩu dồi dào đã ký đủ, đơn vị này sẽ tiếp đà tăng trưởng dương, bứt phá mục tiêu thắng lớn tại hai thị trường chủ lực Mỹ và Trung Quốc.
Theo các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, những ngày qua, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng với mức dao động từ 31.000 - 33.000 đồng/kg (tùy loại). Nguyên nhân đẩy giá cá tăng là nhờ tình hình xuất khẩu thuận lợi, chính vì thế nông dân đang rục rịch tái thả nuôi, mở rộng diện tích, đây là tín hiệu vui để khôi phục và phát triển ngành nghề này.
Bên cạnh đó, nhiều nghi vấn đặt ra rằng, nếu ồ ạt, vội vàng thả nuôi sẽ dẫn đến sản lượng dư thừa, sụt giá, đặc biệt giá con giống và thức ăn đang tăng lên rất mạnh khó mà có lãi. Dựa trên nguyên tắc một khi cung vượt cầu thì những vấn đề nêu trên vẫn có khả năng xảy ra, tuy nhiên nếu hộ nuôi liên kết bền chặt với doanh nghiệp sẽ là giải pháp trả lời cho những băn khoăn đó.
Một hộ nuôi cho IDI chia sẻ: “Để nghề nuôi cá tra xuất khẩu từng bước vươn xa thế giới, các hộ nuôi phải liên kết với các doanh nghiệp nhằm giải quyết ổn định đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân chúng tôi chưa bao giờ chịu lỗ hay gặp cảnh treo ao”.
Cộng hưởng cả ba yếu tố tiền đề là nguồn giống tốt sẵn có, nguồn thức ăn chất lượng cao thương hiệu“Sao Mai Super Feed”; Cam kết bao tiêu với giá cao… hộ nuôi hoàn toàn yên tâm, tự tin thả giống. Không chỉ người nuôi đảo ngược tình thế thu về lãi cao, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng “thừa thắng xông lên” trong dịp này.
Sự đồng hành, hợp tác bền vững, văn hóa ứng xử thủy chung ngay cả những lúc sóng gió thăng trầm giữa hộ nuôi đối với doanh nghiệp đến nay đã được đền đáp xứng đáng. Xem hộ nuôi là những cộng sự đắc lực cho mình, lợi nhuận của đơn vị luôn tỉ lệ thuận với thu nhập của nông dân, cuộc sống giờ đây đủ đầy hơn, thịnh vượng hơn.
Đáp ứng “luật chơi” khó khăn ở một số nước
Những rào cản khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh vừa qua đã làm cho “đường bơi” của con cá tra trên trường quốc tế gặp nhiều trở ngại.
Phòng lab (thí nghiệm) phục vụ công tác kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học của Công ty IDI
Mới đây, giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ lập đỉnh cao nhất khi đạt hơn 4,5 USD/kg tạo điều kiện thuận lợi để loài cá tỷ USD “quẩy mạnh” hơn nửa nhằm hiện thực hóa khát vọng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và gia tăng giá trị con cá tra Việt Nam.
Với tầm nhìn và kinh nghiệm trong ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, IDI đã đang đặt ra những mục tiêu phát triển bền vững cho ngành. Chuỗi quy trình khép kín là một bước đi đúng đắn, tới đây hệ thống vùng nuôi liên kết theo kế hoạch đến cuối năm 2023, đạt khoảng 450 ha, hợp chuẩn để chủ động nguồn nguyên liệu, vừa đảm bảo chất lượng cá vừa kiểm soát được giá thành.
Mặt khác, hộ nuôi được tập huấn tiếp cận công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới đảm bảo tính nghiêm ngặt, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Có con giống tốt, có vùng nuôi đạt chuẩn Global GAP, ASC, BAP bước tiếp theo IDI thực hiện để có được “chiếc chìa khóa” tháo gỡ trước khó khăn của ngành cá tra, chính là việc xây dựng nhà máy chế biến và thức ăn thủy sản quy mô “khủng”.
Hai nhà máy chế biến thủy sản đã hoạt động hết công suất mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, Hội đồng quản trị IDI đã quyết định xây dựng “nhà máy chế biến thủy sản số 3” với công suất thiết kế 500 tấn nguyên liệu/ngày và “kho lạnh số 4” sức chứa hơn 10.000 tấn thành phẩm trên quỹ đất có sẵn.
Việc mở rộng quy mô, tận dụng thời cơ để trang bị và phát huy vai trò nội lực sẵn sàng nhận thêm những đơn hàng lớn, IDI đáp ứng “luật chơi” khó khăn ở thị trường khó tính như các nước EU, đặt nền móng khách hàng quen thuộc trong những năm kế tiếp. Đầu tư chế biến chuyên sâu một cách khoa học, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng kỳ vọng ngành hàng cá tra Việt Nam vươn xa thế giới.
Hậu Lộc - TTTĐ