Xem nhiều

Hà Nội: Cần quyết liệt gỡ vướng cho các dự án công viên chậm tiến độ

28/11/2023 14:13

Kinhte&Xahoi Trong khi Hà Nội đang thiếu không gian công cộng phục vụ người dân thì có một nghịch lý là nhiều dự án xây dựng công viên mới chậm tiến độ hoặc cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Tháo “nút thắt”, đưa vào hoạt động các khu vui chơi, công viên mới là điều mong mỏi của người dân Thủ đô hiện nay.

Dự án công viên “treo”, dân ngóng chờ!

 Có mặt tại Công viên Thiên văn học nằm trong Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông), phóng viên Báo Hànộimới không khỏi xót xa khi thấy công viên xây dựng theo hướng mở, đã cơ bản hoàn thiện từ năm 2020, nhưng lại bị… rào kín. Nhiều hạng mục xây dựng bên trong công viên đã bắt đầu xuống cấp, cỏ mục um tùm.

Ông Nguyễn Minh Thành (Khu đô thị Dương Nội, phường Dương Nội) bất bình: “Năm 2020, gia đình tôi mua nhà về đây ở, những tưởng Công viên Thiên văn học đã hoàn thành, sẽ sớm đưa vào sử dụng. Vậy mà 3 năm trôi qua, công viên vẫn “cửa đóng then cài”, mặc cho người dân thiếu chỗ vui chơi, ngày ngày trông ngóng”.

Một khu vực trong khuôn viên dự án Công viên Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (huyện Thanh Trì) thành nơi tập lái xe.

Tương tự, Công viên Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (huyện Thanh Trì) khởi công từ năm 2014 (rộng 50,93ha) cũng trong cảnh dở dang, nhếch nhác.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì Đỗ Công Đoan - đại diện chủ đầu tư, đến năm 2016, dự án đã hoàn thành 3/5 tiểu dự án, còn 2/5 tiểu dự án là xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và xây dựng các công trình kiến trúc, tượng đài, nhà tưởng niệm danh nhân Chu Văn An… chưa hoàn thành. Theo quan sát, phần diện tích chưa triển khai xây dựng tại dự án cỏ mọc cao lút đầu người, một số diện tích trong dự án được sử dụng làm bãi tập lái xe ô tô.

Khác với 2 dự án trên, tại khu vực triển khai dự án Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh), phóng viên chứng kiến cả khu đất rộng gần 100ha đã được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư từ nhiều năm nay, nhưng đến nay, hầu hết vẫn là đất trống. Qua tìm hiểu, năm 2016, dự án này được khởi công; quý IV-2020, khu vực công viên mở (rộng khoảng 28ha) thuộc dự án cũng được khởi công.

“Tại lễ khởi công, đại diện chủ đầu tư cam kết, sau 18 tháng thi công, khu vực công viên mở sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đã quá hạn từ lâu, đến nay chủ đầu tư mới chỉ trồng được một số cây xanh, các hạng mục thuộc dự án đều thi công dở dang… khiến cử tri địa phương bất bình”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) Nguyễn Xuân Tưởng cho biết.

Dự án Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh) chậm tiến độ nhiều năm.

Ngoài các dự án kể trên, trên địa bàn Hà Nội còn một số dự án xây dựng công viên mới cũng trong cảnh dở dang hoặc “treo” trong nhiều năm, như: Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); Công viên Hữu nghị (quận Bắc Từ Liêm); Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa (giai đoạn 1)…

Chứng kiến nhiều “lá phổi xanh” bỏ hoang lãng phí, người dân Thủ đô không khỏi xót xa và mong chờ các dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân chính khiến các dự án xây dựng công viên mới chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng bị vướng; khó khăn trong công tác kêu gọi xã hội hóa, lựa chọn nhà đầu tư; một số dự án phải dừng thi công do chờ điều chỉnh quy hoạch…

Đơn cử, dự án Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An đang vướng giải phóng mặt bằng khu nghĩa trang Mả Cả rộng 2,5ha liên quan đến khoảng 3.000 ngôi mộ. Ngoài ra, dự án không có đơn vị nào tham gia đầu tư hạng mục xây dựng tượng đài dù UBND huyện Thanh Trì đã nhiều lần kêu gọi xã hội hóa.

Đối với dự án Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang, ngoài vướng mắc gần 14.000m2 đất chưa giải phóng mặt bằng, dự án chậm tiến độ do phải chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài…

Dự án Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) chưa hoàn thành do vướng mặt bằng, gây lãng phí.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam, nhằm tháo gỡ vướng mắc tại dự án Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang, UBND quận đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, thu thập tài liệu, hồ sơ quản lý đất đai qua các thời kỳ làm cơ sở để giải phóng mặt bằng diện tích còn lại.

Còn Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì Đỗ Công Đoan thông tin, đối với công tác giải phóng mặt bằng diện tích còn lại tại dự án Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện đã chỉ đạo xã Thanh Liệt và các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân di chuyển mộ về khu vực cây xanh tâm linh đã xây dựng gần đó…

Về phía thành phố, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các quận, huyện có dự án công viên xây mới khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để công trình sớm hoàn thành phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, để các dự án sớm về đích, rất cần sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội đối với các sở, ngành, địa phương trong việc sâu sát, quyết liệt hơn nữa đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; đồng thời xử lý nghiêm các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, để dự án chậm tiến độ kéo dài.

 Hoàng Hà - Hà Nội mới

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Điều tiết sao cho hợp lý?

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 9/2023, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 15.900 tỷ đồng. Mức tăng theo tháng này cao hơn so với cùng kỳ 3 năm trước. Còn so với thời điểm đầu năm, tiền gửi của cá nhân tăng 9,95%, là mức tăng cao nhất kể từ 2018.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ha-noi-can-quyet-liet-go-vuong-cho-cac-du-an-cong-vien-cham-tien-do-649325.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com