Thủ tướng nêu 3 đề nghị về liên kết Á-Âu

20/10/2018 09:40

Kinhte&Xahoi Cùng với Thủ tướng Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là hai nhà lãnh đạo dự ASEM được mời phát biểu chính thức tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á- Âu. Trước gần 400 lãnh đạo các tập đoàn lớn đại diện cho đông đảo các doanh nghiệp hai châu lục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 3 đề nghị.

Chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Á- Âu lần này là “Kết nối - Tạo dựng cầu nối giữa châu Á và châu Âu”. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định toàn cầu hóa thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và đẩy nhanh làn sóng các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đa phương và song phương - Đây là những cơ hội to lớn. Song dòng chuyển động toàn cầu cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Trong bối cảnh chung đó, châu Âu và châu Á nổi lên là hai điểm sáng về tăng trưởng và liên kết kinh tế. Việc hai châu lục cùng chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết nhiều hiệp định FTA quy mô lớn đang mở ra cơ hội to lớn cho hợp tác liên kết phát triển.

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu lên 3 đề nghị:

Thứ nhất, Thủ tướng đề nghị tổ chức đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục trong các dịp hội nghị cấp cao ASEM để trao đổi sâu rộng các vấn đề cùng quan tâm, phù hợp với lợi ích của hai châu lục.

Thứ hai, chủ động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, phát triển quan hệ đối tác nhằm triển khai các thỏa thuận tự do thương mại giữa các nền kinh tế hai châu lục.

Thứ ba, doanh nghiệp cần đóng góp tích cực thúc đẩy kết nối giữa con người với con người, thông qua việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội về tạo việc làm, bảo vệ môi trường, ứng phó với các thách thức toàn cầu, vì mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh thách thức ngày càng phức tạp, đan xen, đây chính là thời điểm cần tăng cường hơn nữa sự kết nối để thúc đẩy tiến trình hợp tác và liên kết Á-Âu một cách hiệu quả, phục vụ đắc lực hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.

Đề cập đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được trình Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp tới, cùng với nhiều FTA và thỏa thuận đối tác kinh tế giữa EU với một số quốc gia thuộc hai châu lục, với một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Thủ tướng nhận định điều này hứa hẹn tạo ra không gian kinh tế tự do, rộng mở cho các doanh nghiệp hai bên.

Ông cũng thông báo cho cộng đồng doanh nghiệp tin vui là ngày 17/10 Ủy ban châu Âu đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam - EVAFTA, bước tiến quan trọng để hai bên có thể ký kết sớm trong cuối năm 2018 và phê chuẩn trong nửa đầu năm 2019.

Dẫn câu nói của nhà bác học Einstein “Học từ quá khứ, sống cho hiện tại, hy vọng vào tương lai. Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các chính phủ và doanh nghiệp Á-Âu với tầm nhìn về sự liên kết rộng mở cùng nhau tìm ra giải pháp và hành động cụ thể để hiện thực hóa các tiềm năng phát triển của hai châu lục.


Theo chinhphu.vn/hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.

Nở rộ cho vay online biến tướng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen.