Một góc thủ đô Dhaka của Bangladesh.
Trong tất cả các loại hộ chiếu đã từng được sử dụng trước đó ở đất nước này đều có dòng chú thích: Hộ chiếu này có giá trị đi tới tất cả các nước trên thế giới, trừ Israel.
Nguyên do là từ khi lập quốc vào năm 1971 đến nay, Bangladesh không công nhận nhà nước Israel và không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhà nước Israel. Bangladesh là quốc gia với đông đảo dân chúng theo đạo Hồi.
Quốc gia này ủng hộvà công nhận nhà nước Palestine, ủng hộ giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine với nội dung cốt lõi là có nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với Israel.
Quan điểm chính sách đối ngoại xưa nay của Bangladesh là chỉ công nhận nhà nước Israel khi có nhà nước Palestine độc lập. Công dân Bangladesh vì thế bị cấm đến Israel. Trong hộ chiếu của Bangladesh vì thế có dòng ghi chú nói trên. Luật pháp ở Bangladesh là như thế.
Hộ chiếu là văn kiện thể hiện bản chất và bản sắc của nhà nước quốc gia, tuy không thể bao hàm được hết nhưng cũng bao hàm cả những định hướng và nội dung nhất định của đường lối chính sách đối nội cũng như đối ngoại của nhà nước quốc gia ấy.
Chỉ cụm từ“trừ Israel” trong đó hàm ý rất đầy đủ quan điểm đường lối và định hướng chính sách đối với Israel và Palestine cũng như một trong những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Bangladesh.
Trong hộ chiếu mới của Bangladesh giờ không còn cụm từ“trừ Israel” nữa mà chỉ hiện dòng chữ:Hộ chiếu này có giá trị đi đến tất cả các nước trên thế giới. Hộ chiếu mới làm cho liên hệ ngay đến việc Chính phủ Bangladesh điều chỉnh chính sách đối với Israel và Palestine cũng như chuẩn bị pháp lý và dư luận cho khả năng Bangladesh công nhận nhà nước Israel.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là sự quả quyết của quan chức chính phủ Bangladesh rằng hộ chiếu thay đổi chứ còn chính sách đối ngoại không thay đổi và hộ chiếu không phản ánh bản chất và định hướng của chính sách đối ngoại.
Chính sự quả quyết này lại tạo ra cảm nhận là phía Chính phủ Bangladesh chủ ý tạo nên sự mập mờ về luật và lệ, cụ thể là để cho hiểu về luật và lệ như thế nào cũng được. Để khẳng định chính sách đối ngoại không thay đổi thì Chính phủ Bangladesh viện dẫn hộ chiếu không bao hàm định hướng nào đấy của chính sách đối ngoại, nhưng để phát đi thông điệp về điều chỉnh chính sách đối ngoại thì lại có sửa đổi phần đáng được chú ý đến nhất trong hộ chiếu mới.
Mập mờ về luật pháp ở đây là theo hộ chiếu thì công dân Bangladesh có thể đi đến Israel nếu nhận được thị thực nhập cảnh,trong khi theo chính sách chính thức của chính phủ Bangladesh thì công dân Bangladesh không được phép đi đến Israel.
Mập mờ về lệở đây là trong khi Bangladesh và Israel chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau mà Israel cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Bangladesh trực tiếp vào hộ chiếu mới chứ không cần đến việc sử dụng thị thực rời, tức là thị thực riêng, không hiện trong hộ chiếu, thì vẫn được phía Bangladesh công nhận là có giá trị.
Sự mập mờ này tạo điều kiện cho phía Israel vận dụng luật trong khi công dân Bangladesh có thể viện dẫn luật để biện minh cho việc đi đến Israel bằng hộ chiếu mới. Khi cần trang trải nhu cầu về đối ngoại, Chính phủ Bangladesh dùng luật trong khi để trang trải nhu cầu về đối nội thì lại có thể dụng lệ nói trên.
Nghe qua thì thấy thật sự phi lô-gic, nhưng trên thực tế lại có thể rất hữu dụng cho cả Chính phủ Bangladesh lẫn Israel trong thời gian và trong bối cảnh tình hình là hai bên chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau.
Hạ Nham- Pháp luật Plus