ĐBQH Bùi Văn Xuyền là một trong số nhiều đại biểu rất quan tâm tới an toàn, tiến độ cũng tính hiệu quả của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.  Ông cho biết, rất thất vọng với cách làm việc của đại diện chủ đầu tư cũng như nhà thầu và các đơn vị liên quan tới dự án này.

"Dự án này vướng quá nhiều vấn đề, từ khâu vốn xây dựng, chất lượng dự án, tính hiệu quả và bây giờ là không thể đưa được dự án vào khai thác. Đại biểu, dư luận xã hội nói nhiều quá mà phía quản lý chưa cho thấy sự hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành đối với dự án này", ông Xuyền than thở.

Dự án cứ lần nữa kéo dài trong khi trách nhiệm thuộc về ai vẫn không biết...

Theo đại biểu đoàn Thái Bình, đại diện chủ đầu tư cũng như phía nhà thầu hết lần này đến lần khác lên tiếng khẳng định dự án đã hoàn thiện tới 99%, còn 1% nữa đang hoàn thành nhưng, vì sao tới nay vẫn không thể vận hành thương mại thì không ai trả lời được.

"Các nhà quản lý đã kiểm tra, thị sát nhưng cuối cùng cũng chỉ đưa ra chỉ đạo chung chung "hãy làm đi, không nói nhiều nữa".

Nhà thầu thì khẳng định hoàn thiện 99% rồi, còn 1% phần việc không quan trọng nên không đưa vào khai thác là do phía nhà đầu tư.

Đơn vị tư vấn thì nói 1% đó rất quan trọng, đó là hồ sơ để so sánh, đánh giá kỹ thuật an toàn của dự án... Nếu không bổ sung không thể nghiệm thu, dự án không thể đưa vào hoạt động.

Những lý do đưa ra rất sơ đẳng, giống như thực hiện một công trình của nhà dân chứ không phải đang thực hiện tại một dự án quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia, quốc tế như Cát Linh - Hà Đông. Rõ ràng là không chấp nhận được.

Như thế là cuối cùng dự án tiếp tục bị kéo dài, các đơn vị thực hiện loanh quanh đổ lỗi cho nhau. Các cơ quan quản lý bị đánh đố, hoàn toàn bế tắc, không tìm được giải pháp để đưa được dự án vào hoạt động?", ông Xuyền bức xúc.

Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng đề cập tới tâm lý tư duy nhiệm kỳ với chính dự án này. Ông Xuyền cho biết, tư duy nhiệm kỳ rất phổ biến tại nhiều dự án quan trọng ở Việt Nam. Đó là tư duy xin dự án, chạy dự án vào cuối nhiệm kỳ, khi dự án có vấn đề thì lãnh đạo cũng nghỉ hưu, không ai phải chịu trách nhiệm nữa.

Đây chính là lý do khiến nhiều dự án của kỳ trước thường bị kỳ sau bỏ rơi vì nghĩ đó không phải trách nhiệm của mình. Dự án sai là do nhiệm kỳ trước.

Ông Xuyền nhấn mạnh, đó là tư duy sai lầm, thể hiện sự thiếu trách nhiệm cần phải chấn chỉnh ngay.

"Những người lãnh đạo tiền nhiệm khi tiếp quản vị trí mới cũng phải tiếp nhận hoàn toàn mọi công việc, những thành tựu cũng như những tồn tại, vướng mắc của nhiệm kỳ trước. Trên cơ sở đó, người lãnh đạo tiền nhiệm phải đưa ra được giải pháp xử lý, phát huy thành quả, khắc phục hậu quả.... Đó là trách nhiệm của những người lãnh đạo ở nhiệm kỳ sau phải làm.

Nếu không giải quyết được những tồn tại của nhiệm kỳ trước và chỉ biết đổ lỗi do nhiệm kỳ trước là thiếu trách nhiệm, là chưa hoàn thành nhiệm vụ", ông Xuyền nhấn mạnh.

Chính vì quan điểm trên, vị đại biểu đoàn Thái Bình nhấn mạnh, không chấp nhận những lý do nữa, cần nhanh chóng có giải pháp để đưa dự án vào hoạt động.  Ông nhấn mạnh, sự nhây nhưa kéo dài thời gian có thể sẽ dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng mà cuối cùng chính là người dân, người sử dụng dịch vụ phải gánh chịu.

"Bộ GTVT phải làm rõ những vướng mắc, tồn tại khiến dự án không thể nghiệm thu, không thể đưa vào hoạt động được. Việc này phải được phân công, giao việc rất rõ ràng.

Tôi vừa được biết, một vị Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo "nếu dự án an toàn thì phải đưa vào khai thác trong năm 2019", đó là chỉ đạo rất kịp thời. Chỉ đạo từ Chính phủ rõ ràng như vậy rồi, Bộ GTVT cứ thế mà làm. Làm không xong, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm", ông Xuyền nói.

Về phía Quốc hội, ông Xuyền cũng kỳ vọng Quốc hội, các ĐBQH tiếp tục thể hiện vai trò giám sát, lên tiếng mạnh mẽ, buộc các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về dự án, đưa dự án sớm đi vào hoạt động.

Liên quan tới dự án, trong thông tin mới cung cấp, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cho biết từ năm 2008 khi được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đơn vị này đã phát hiện việc thực hiện dự án trên cao là không phù hợp với điều kiện, khí hậu, gây tốn kém, không phát huy hết được hiệu quả của dự án. 

Còn đơn vị tư vấn Pháp chỉ ra vướng mắc nằm ở việc thiếu hồ sơ, hồ sơ chưa đầy đủ và xem đây là nguyên nhân để mất thêm nửa năm hoặc lâu hơn nữa mới đưa được tuyến đường vào vận hành.

Bày tỏ quan điểm không đồng tình với nhận định trên, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng đó là những lý do rất kỳ lạ.

Ông Thủy nói rằng, việc bổ sung các hồ sơ rất đơn giản, không mất quá nhiều thời gian vì chúng ta đã có máy móc, kỹ thuật rất hiện đại, đo đạc, đánh giá dễ dàng, nhanh chóng. Theo tính toán của ông Thủy, việc hoàn thiện này chỉ diễn ra trong khoảng từ nửa tháng tới một tháng, không thể kéo dài tới nửa năm hay vài năm như cảnh báo.

Từ băn khoăn trên, TS Nguyễn Xuân Thủy đặt nghi vấn về sự chậm trễ đưa dự án vào khai thác có thể do liên quan tới yếu tố kỹ thuật hoặc có sự bắt tay, móc ngoặc, cố tình kéo dài thời gian để trốn trách nhiệm.

Từ góc độ cá nhân, ông Thủy đề nghị thành lập hội đồng kiểm định dự án độc lập để làm cho rõ, trả lời cho rõ lý do vì sao dự án đã hoàn thiện tới 99%, chỉ còn 1% chưa hoàn thiện mà dự án mãi không thể đưa vào khai thác thương mại.

"Nếu là do công nghệ, thiết bị lạc hậu, nguy cơ không bảo đảm an toàn, dễ gây cháy nổ, tai nạn, dầm trụ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật hay còn vì lý do gì cũng phải được nói rất rõ ràng, trả lời rất rõ ràng để dư luận được biết.


Bộ GTVT phải có trách nhiệm trong chuyện này, phải chịu trách nhiệm trước việc không đưa được dự án vào hoạt động", ông Thủy nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

2 năm thầy Park ở Việt Nam: Người đưa "cá chép hóa rồng"

2 năm thầy Park ở Việt Nam nhanh như một cái chớp mắt, nhưng những gì chiến lược gia Hàn Quốc làm được đáng ghi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như một chương rực rỡ nhất. đơn giản bởi ông đã chạm được đến những dấu mốc mà tất cả những người tiền nhiệm không thể nào đạt tới.