Luật pháp là sức mạnh trong cuộc chiến gian nan chống hàng giả, hàng lậu, hàng nhái.
“Biệt dược” - chế tài đủ sức nặng
Báo chí đã từng so sánh việc đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, hàng nhái như một “cuộc chiến gian nan”, nhưng rõ ràng không phải là không có cách để hạn chế tối đa những mặt trái ấy. Trước khi đề cập đến câu chuyện hàng giả, chúng ta hãy bắt đầu với Nghị định 100/2019/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, sau 1 tháng triển khai Nghị định 100, với các hình thức xử lý nghiêm khắc thể hiện qua các mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước, đây được coi là “biệt dược” trị bệnh nhờn luật đồng thời góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Theo đó tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn lên đến 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng); phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (trước đây không bị phạt tiền, không bị tước giấy phép lái xe)… Đáng chú ý Nghị định bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ, cụ thể có thể bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Với chế tài xử phạt như trên, hiệu lực của Nghị định phát huy tác dụng ngay lập tức. “Hiếm có luật, nghị định nào đi vào cuộc sống mà tạo ra hiệu ứng mạnh như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt cao đã khiến nhiều người phải nghiêm chỉnh chấp hành, thay đổi thói quen uống rượu, bia bất kể có tham gia giao thông hay không”.
Báo cáo của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, Tết năm 2020, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến rất tích cực. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều. Đặc biệt tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn giảm rất sâu, chỉ riêng tại Bệnh viện Việt Đức số nạn nhân tai nạn giao thông có cồn chỉ chiếm 7%, giảm gần 60% so với năm trước… Rõ ràng, Nghị định 100 là minh chứng cho quan điểm “vật chất quyết định ý thức, kinh tế quyết định chính trị”, khi đánh vào túi tiền thì mọi thứ sẽ trở về với trật tự của nó.
Quay trở lại câu chuyện về hàng giả, hàng lậu, điểm tương đồng chúng ta cần bàn ở đây chính là cần một chế tài đủ mạnh để các đối tượng làm hàng giả đủ sợ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho hay, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa hoàn thiện. Với các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, mức xử phạt cao nhất cũng không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, không có quy định về xử lý hình sự… Đây là kẽ hở khiến tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng.
Xuất phát từ đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Viết Hồng: “Vấn đề đẩy lùi được vấn nạn hàng giả là phải có giải pháp đồng bộ để từ đó xử lý răn đe, xử lý triệt để thì các đối tượng làm giả sẽ sợ và không giám làm giả”.
Phối hợp giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng
Bên cạnh, nhìn nhận một cách thẳng thắn, ông Trần Đăng Ninh - Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết có sự thiếu sót, chưa thường xuyên, chặt chẽ trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng, hay các cơ quan chức năng với địa phương. Hơn thế, các lực lượng chức năng đang có tình trạng giấu thông tin do bảo vệ “thành tích”, nên chưa kịp thời chia sẻ thông tin lẫn nhau trong công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Về phía Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cũng nêu rõ quan điểm: “Người tiêu dùng biết là hang fake, fake là giả, fake 1,2,3 để chấp nhận bỏ tiền ra mua hàng mà không đúng với giá trị chính những tư duy tâm lý này nó đã tạo ra nhu cầu về cung dẫn đến các khả năng về cầu nó sẽ được đáp ứng đã có cung thì sẽ có cầu. Ở góc độ người sản xuất trong nước hoặc các nhãn hàng bị xâm phạm, bị làm giả thì họ đều có một tâm lý e sợ mỗi khi cần đề nghị xử lý thì quá phiền phức và tốn kém.
Do đó, việc đầu tiên phải bám sát những cửa khẩu có khả năng hàng sẽ đưa về để từ đó gửi văn bản đề xuất và yêu cầu cơ quan hải quan đưa ra biện pháp ngăn chặn ngay tại cửa khẩu. Thứ hai kiểm tra, rà soát trên thị trường nội địa thấy có điểm bán, thấy có kho hàng, thấy có nhãn hàng trên mạng thì phải cố gắng tìm địa chỉ và lập tức gửi thông báo ngay đến cơ quan chức năng gồm Quản lý thị trường và công an tại địa phương để ngăn chặn hành vi vi phạm. Sau khi gửi phải có hành động liên tục thúc ép để giám sát thậm chí để đạt được ra kết quả…”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh: “Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách để kiểm tra, phát hiện bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Vì vậy, bên cạnh chế tài xử phạt đủ nặng thì sự phối hợp giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng chính là mũi tên quan trọng trong "cuộc chiến" chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu…
Lê Thanh Tùng