Phí cao vẫn đắt hàng
Càng gần Tết, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới, nguyên seri lại trở lên sôi động. Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lẻ” sẽ có hàng trăm kết quả hiện ra cùng với những lời chào mời từ các chủ kinh doanh với cam kết “muốn bao nhiêu cũng có”, “giá rẻ nhất thị trường…”.
Điểm chung của những trang đổi tiền lẻ này là đều đưa ra mức giá chênh lệch đổi tiền rất cao, có thể lên đến 90% đối với mệnh giá tiền 500 đồng, 10 - 20% đối với mệnh giá 5.000 đồng. Tiền có mệnh giá càng thấp thì phí đổi càng cao đến 40%. Các loại tiền “xưa nay hiếm” và đã khá ít người còn sử dụng để mua bán (dù vẫn còn giá trị) như 100 đồng, 200 đồng hay 500 đồng có phí đổi từ 35 - 40%/tổng giá trị. Còn trung bình các loại tiền như 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng có phí đổi từ 15% - 25%/cọc khoảng 100 đến 1.000 tờ.
Các dịch vụ đổi tiền lẻ, mới vẫn đang hoạt động công khai, nhộn nhịp, bất chấp quy định của pháp luật.
Trên một trang facebook có tên “đổi tiền mới” với lời chào mời dịch vụ đổi tiền mới 100%, nguyên seri, giá thấp nhất thị trường Hà Nội với mức phí cụ thể: 50.000 đồng là 3%, 10.000 - 20.000 đồng là 8%, 2.000 – 5.000 đồng là 10% còn 1.000 đồng là 20%. Đổi càng nhiều thì phí đổi càng giảm. Theo tìm hiểu, khách hàng có thể đến tận văn phòng làm việc để đổi tiền hoặc sẽ được ship đến tận nơi tùy theo yêu cầu.
Ngoài “săn” các loại tiền Việt mệnh giá thấp để lì xì hoặc đi lễ chùa, nhiều người còn mạnh tay chi tiền triệu để mua các loại tiền độc, lạ từ nước ngoài. Điển hình là bộ sưu tập những đồng tiền in hình con lợn, set 52 tờ tiền của 28 nước trên thế giới và tiền 2 USD. Đây thường được xem là những món đồ may mắn, mang nhiều tài lộc.
Trên các trang mạng, tiền 2 USD con lợn được rao với giá 400.000 đồng, tiền xu con lợn Úc có giá 250.000 đồng; tiền con lợn Ma Cao có giá 25.000 đồng… Set tiền 52 tờ được rao bán với giá dao động từ 500 đến 600.000 đồng/set, thậm chí nhiều nơi còn rao bán với giá lên tới 700.000 đồng/set.
Coi chừng lừa đảo!
Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương không phát hành tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán nhằm tránh lãng phí và các tiêu cực phát sinh. Tại cuộc họp báo mới đây, đại diện NHNN cho biết, từ năm 2013 đến nay, với việc không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán đã giúp tiết kiệm gần 2.600 tỷ đồng, riêng Tết năm nay số tiền tiết kiệm được dự kiến là 390 tỷ đồng.
Thế nhưng thực tế, trên thị trường “chợ đen”, tiền các loại mệnh giá nhỏ đều có đủ, thậm chí nguyên cả seri, nhiều người thắc mắc vậy nguồn tiền này từ đâu mà có?
Đã có nhiều cảnh báo về việc người dân tìm đến các dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng có thể gặp rất nhiều rủi ro như: phải chịu phí đổi rất cao, có thể bị lừa đảo. Ngoài những fanpage giao dịch trực tiếp, có những fanpage yêu cầu giao dịch qua thẻ điện thoại, chuyển khoản, giao hàng tận nơi. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ fanpage chặn liên lạc và mất tích, ăn chặn tiền của khách.
Theo các cơ quan chức năng, hiện nay tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội đang ngày càng diễn ra với tần suất dày, khá phổ biến, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Người dân dù được khuyến cáo, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền khá lớn. Bên cạnh đó, việc nhận đổi tiền lẻ ăn chênh lệch là hoạt động phi pháp. Vì thế, khi thấy những lời quảng cáo hấp dẫn khi giao dịch tiền giả, tiền lẻ đều nên cẩn thận khi chuyển khoản, giao dịch.
Được biết, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xem xét, xử phạt, với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó, Thủ tướng lưu ý NHNN phải thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Đại diện NHNN cũng khẳng định việc đổi tiền lẻ trái phép tại các di tích, đền chùa, hoặc kinh doanh, đổi tiền mới ăn chênh lệch trên mạng sẽ được kiểm tra và xử lý nghiêm, nhằm tránh ảnh hưởng tới tình hình lưu thông tiền tệ và hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Theo Phapluatplus