Giá rẻ đến ngỡ ngàng
Quá trình đấu tranh chống lại hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng khiến cho nhiều doanh nghiệp cũng ngỡ ngàng với công nghệ sản xuất rẻ giât mình, và để xử lý triệt để tình trạng hàng nhái hàng giả ngày càng tinh vi, nhiều doanh nghiệp thừa nhận đang bất lực.
Cơ quan chức năng bắt giữ một cơ sở làm giả sản phẩm của Công ty TNHH SX &DVTM BNB (Ảnh:VH)
Ông Trần Việt Hải - Công ty TNHH SX &DVTM BNB cho biết, công ty của ông chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm và là nhà phân phối độc quyền cho một thương hiệu tại Italia.
"Chúng tôi phải mất 10 năm để xây dựng thị trường, nhưng đến khi sản phẩm đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thì lại bị vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nhất là các sản phẩm bán chạy nhất như dòng sữa tắm", ông Hải nói.
Theo ông Hải, trong số hàng trăm các sản phẩm mà công ty ông đang là nhà phân phối độc quyền thì mặt hàng sữa tắm Tesori D`0riente là mặt hàng có doanh số bán chạy nhất nên cũng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất.
Để chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng và cũng giúp cho công ty không bị ảnh hưởng về uy tín, ông Hải đã phải cử riêng một bộ phận chuyên theo dõi các sản phẩm bị làm giả.
Qua nhiều năm, ông Hải đã đúc kết được các thủ đoạn của những gian thương là rất tinh vi, họ thường mua hàng giả về và đưa hàng qua biên giới Lạng Sơn, Móng Cái với mức giá thấp hơn 30 đến 50% giá bán buôn sản phẩm thật của công ty ông.
Cá biệt, có những trường hợp còn chào hàng 1 chai sữa tắm Tesori D`0riente mà công ty đang bán lẻ 250.000 đồng chỉ với giá 2 tệ, tương đương 7.500 đồng.
Ông Trần Việt Hải - Công ty TNHH SX &DVTM BNB cho biết không rõ làm như nào có thể sản xuất được một chai sữa tắm với giá thành 7.500 đồng (Ảnh: TX)
"Tôi thực sự không hiểu sao có thể làm ra được sản phẩm với giá đó, vì vỏ chai sữa tắm này làm bằng nhôm, chỉ riêng sản xuất vỏ chai cũng đã không thể làm được với 2 tệ", ông Hải nói. Ông Hải cũng đặt nghi vấn, chỉ có thể thu mua vỏ chai về, sau đó đổ cái chất gì vào trong để thành sữa tắm có giá 7.500 đồng thì cũng khó biết được", ông Hải nói.
Tương tự như ông Hải, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH thời trang Nón Sơn cho biết, thương hiệu Nón Sơn được nhiều người tiêu dùng biết đến là phải mất rất nhiều công sức để xây dựng thị trường và chiếm long tin của khách hàng.
Tuy nhiên, ông Tý cũng thừa nhận nhiều năm qua đã phối hợp với các cơ quan chức năng để chống lại tình trạng làm giả, làm nhái các sản phẩm của Nón Sơn nhưng cũng không thể xử lý được dứt điểm.
Cơ quan chức năng bắt giữ một có sở sản xuất Nón Sơn giả đầu năm 2020 vừa qua (Ảnh: IT)
"Đầu năm 2020 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng bắt một cơ sở sản xuất Nón Sơn giả với số lượng lên tới gần 400 chiếc mỗi ngày. Tuy nhiên, có trường hợp đã theo dõi tận cơ sở nhưng khi báo cho cơ quan chức năng tới nơi thì kho hàng đã được vận chuyển đi chỗ khác nên rất khó để xử lý", ông Tý nói.
Cụ thể, vào ngày 3/1/2020, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an huyện Bình Chánh kết hợp Đội 7, Phòng PC03 Công an TP.HCM kiểm tra tại kho hàng không số tại ấp 6, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM do bà LTTP (ngụ tại quận Bình Tân) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra kho hàng có 500 cái nón loại nửa đầu thân nón ghi chữ Nón Sơn, một máy khoan không rõ nhãn hiệu, máy đóng nút, máy nén khí, 1.250 vỏ nhựa mũ bảo hiểm, 15 kg quai nón…
Bà P. trình bày với cơ quan chức năng bắt đầu sản xuất Nón Sơn giả từ khoảng tháng 10/2019, khi có người đặt hàng thì bà P mới cho nhân viên làm, mỗi ngày sản xuất ra hàng thành phẩm từ 300-400 cái.
Chủ cơ sở này cũng khai báo vào ngày 28/12/2019, có người phụ nữ tên T. không rõ lai lịch đặt hàng qua ứng dụng Zalo nên bà P. cùng nhân viên sản xuất ra 500 cái nón bảo hiểm hiệu Nón Sơn. Ngày 3/1, bà P. chưa kịp giao hàng cho bà T. thì bị công an huyện Bình Chánh phát hiện lập hồ sơ xử lý.
Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH thời trang Nón Sơn cho rằng, muốn xử lý được vấn nạn, hàng giả, hàng nhái ngoài cơ quan chức năng cũng rất cần sự thông thái của người tiêu dùng (Ảnh: IT)
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cụ thể là nón bảo hiểm giả là không mới, nhưng hiện vẫn chưa được xử lý một cách hiệu quả do lợi nhuận từ sản xuất hàng giả vẫn còn rất cao. "Việc đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho mỗi người nhất là khi có tại nạn xảy ra. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng vẫn mua phải nón bảo hiểm giả, chất lượng không đảm bảo sẽ dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Khó xử lý dứt điểm
Dù đã phải cử hẳn 1 bộ phận của công ty chỉ có nhiệm vụ theo dõi các sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhưng các doanh nghiệp vẫn phải thừa nhận không thể xử lý dứt điểm tình trạng làm giả, làm nhái trên thị trường. Đặc biệt là khi thương mại điện tử ngày càng phát triển như hiện nay.
Ông Trần Việt Hải - Công ty TNHH SX &DVTM BNB cho biết ,đã xác định được 4 đối tượng chuyên kinh doanh hàng giả các sản phẩm của công ty ông trên mạng xã hội nên đã làm đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng (Ảnh: IT)
"Chúng tôi đã phải vào vai người mua hàng online để tìm đến các điểm bán hàng, nhưng các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội lại không phải doanh nghiệp, kho hàng cũng là nhà riêng và thậm chí còn ở chung cư, phải có thẻ cư dân mới vào được. Do đó, rất khó xử lý dứt điểm, thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng", ông Hải nói.
Chị Hoàng Thị Thư, quận Đống Đa, Hà Nộ chia sẻ: "Mua hàng online thấy bao bì sản phẩm rất giống thực tế, thậm chí quét mã QR vẫn hiện lên cụ thể, rõ ràng các thông số nhưng chỉ khi sử dụng và so sánh với các sản phẩm mua trước đây thì mới nhận ra đấy là sản phẩm nhái, kém chất lượng''.
Để chống lại thực trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu nhãn hiệu… ông Hải cho biết, hiện cũng đang tập hợp hàng loạt các tài liệu thu thập được liên quan tới các cơ sở làm giả, làm nhái sản phẩm của công ty để gửi lên Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường.
"Hiện tại Cục Giám sát quản lý về Hải Quan, Tổng cục Hải Quang đã có văn bản số 031 ngày 4/4/2019 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp triển khai việc kiểm tra, giám sát vấn đề sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của chúng tôi. Đây có thể coi là một bước tiến đề "chặn đứng" các sản phẩm giả, nhái sản phẩm của công ty tôi nếu nhập qua đường chính ngạch", ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Hải vẫn băn khoăn tình trạng nhập hàng qua đường mòn, lối mở và thậm chí sản xuất giả ngay tại các cơ sở trong nước, sau đó bán hàng theo hình thức online như hiện tại thì rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Còn ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành công ty TNHH Thời Trang Nón Sơn thừa nhận, hiện mặt hàng nón bảo hiểm đang gặp khó khăn do không thể cạnh tranh được với hàng giả, hàng nhái nên các hoạt động của công ty chủ yếu chông chờ vào mặt hàng nón vải.
Thương mại điện tử phát triển, bên cạnh mặt tích cực thì cũng có mặt trái là hàng hoá bán trên "chợ online" rất khó kiểm soát. Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng mua hàng qua mạng, nên chọn mua hàng ở những trang kinh doanh bán hàng có uy tín. Khi chọn mua, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan, các quy định đổi trả, yêu cầu xem hàng hóa trước khi thanh toán, yêu cầu xuất hóa đơn, phiếu bảo hành..
Số liệu từ Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 5, riêng lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý gần 24.000 vụ vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng lậu, thu nộp ngân sách nhà nước trên 125 tỷ đồng. Con số này cho thấy mức độ vị phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng lậu vẫn còn rất nhức nhối, đòi hỏi sự phối hợp vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan chức năng.
Thanh Xuân