Càng gần sát ngày chuẩn bị nghi lễ Tết Dương lịch để về quê ăn tết, Trần Ngọc Huyền (25 tuổi, nhân viên truyền thông - marketing) càng cảm thấy sốt ruột khi các đơn hàng mua váy áo, mỹ phẩm của cô đặt từ đợt sale 12/12 vẫn chưa về.
“Mình biết là đặt vào thời gian này, các đơn hàng sẽ về lâu hơn dự kiến. Nhưng mình không nghĩ là các đơn hàng này lại lâu như vậy vì là các đơn ở các shop tại Hà Nội. Đến nay đã hơn 2 tuần rồi, mình vẫn chưa thấy đồ đâu. Mình khá lo lắng vì những món đồ đó không hề rẻ, không biết có gặp trục trặc gì không và cũng sợ lỡ kế hoạch về quê của mình”, Ngọc Huyền nói.
Mỗi lần hàng đặt online về muộn hơn dự kiến, Ngọc Huyền thường cảm thấy thấp thỏm, lo lắng và hồi hộp
Nếu hàng về không kịp, Ngọc Huyền sẽ mặc tạm đồ cũ để "chữa cháy". Thấp thỏm chờ hàng về, cô gái trẻ liên tục vào ứng dụng sàn thương mại điện tử kiểm tra tình trạng đơn hàng và ngóng đợi cuộc gọi từ các shipper “ruột”.
Cô gái 25 tuổi cho biết, mỗi lần đặt hàng online, cô lại có những cảm giác ngóng chờ, háo hức ngay từ lúc ấn nút đặt hàng và thanh toán thành công. Những món hàng mà Ngọc Huyền thường đặt trên sàn thương mại điện tử thường là những món đồ cô đã “ngắm” từ lâu và chờ đợi đến ngày giảm giá để săn được giá hời mới quyết định mua. Việc đó khiến cô háo hức, muốn mau chóng được “bóc tem” món hàng và mặc thử.
Những ngày sau đó, thỉnh thoảng, Huyền lại kiểm tra không chỉ 1 mà tất cả đơn hàng khác đã đặt đang ở bước nào: Đã xác nhận, người gửi đang chuẩn bị hàng hay đơn hàng đang được vận chuyển, đã đến kho nào rồi…
Rất nhiều người gặp phải tình trạng đơn hàng đặt online giao lâu trong thời gian vừa qua
Không riêng gì Ngọc Huyền, cảm giác háo hức, hồi hộp cho đến lo lắng diễn ra thường xuyên và phổ biến với những người mua hàng online, diễn ra sau khi đặt hàng xong và trong quá trình đợi món đồ được chuyển tới.
Đợt dịch vừa qua là lần đầu tiên Nguyễn Thùy Trang (24 tuổi) trải qua chuyện mòn mỏi chờ ship hàng khi việc vận chuyển, đi lại gặp nhiều khó khăn và các đơn vị vận chuyển có nhân viên dương tính với COVID-19.
Mỗi lần đặt đồ, dù giá gốc hay giá giảm, cần gấp hay không, cô gái trẻ đều có thói quen kiểm tra quá trình vận đơn. Thú vui này khó giải thích nhưng mỗi khi thấy thông báo đơn đã đóng gói hay giao cho shipper, Thùy Trang đều cảm thấy rất vui và phấn khởi.
Kể từ khi hoàn thành việc đặt đồ online, ngày nào Thùy Trang cũng mở app đặt hàng để theo dõi tình trạng đơn hàng
"Nếu như trước đây, thông thường, mình chỉ mất 3 - 5 ngày là nhận được hàng với đơn trong thành phố, đơn từ các tỉnh xa khác cũng chỉ mất 1 tuần. Nhưng vào thời điểm này, trung bình mình phải đợi 1 - 2 tuần cho đơn tại Hà Nội, 3 - 4 tuần cho đơn ngoại tỉnh. Có lần, đơn hàng bị bên giao hàng tự ý hủy, trả hàng mà không hề liên lạc với mình hay lưu kho, không cập nhập tình trạng đơn hàng khiến mình mất công đặt lại và chờ đợi lần nữa", Thùy Trang nói.
Cô gái trẻ cho biết, vì chủ động chọn thanh toán trước, nên nỗi lo bị mất hàng, mất tiền càng lớn hơn, thêm vào đó là cả sự khó chịu khi mãi không có đồ để dùng. Khi đặt xong hàng, Thùy Trang cũng thường nóng lòng mong sớm “đập hộp”. Mỗi lần đợi lâu, sự phấn khích của cô cũng giảm bớt đi.
“Vì đặt đồ trong dịp sale, các món đồ mình đặt được với giá hời, áp thêm các mã giảm giá khác giúp món đồ đến tay mình giá sẽ là tốt nhất. Săn sale thành công, mình cảm thấy rất thích thú, nhưng chờ lâu không thấy hàng về, mình cảm thấy sốt ruột, thấp thỏm và sợ bị huỷ đơn bất ngờ”, Trang chia sẻ.
Cảm giác nóng lòng, thấp thỏm và lo lắng… là tâm trạng của rất nhiều bạn trẻ khi đặt hàng online mùa dịch
Khi đặt hàng online, người dùng buộc phải có một khoảng thời gian chờ đợi trước khi được cầm nắm, sử dụng. Điều này khác với việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống, khi khoảng cách giữa việc mua và dùng không đáng kể.
Mua đồ trực tuyến khiến tâm lý của khách hàng nảy sinh cảm giác sở hữu ảo và hiệu ứng gắn bó xuất hiện. Vì vậy nên việc phải chờ đợi quá lâu để nhận được một món hàng thường khiến người mua dễ cảm thấy nóng lòng, thấp thỏm và lo lắng…
Trung Đức - TTTĐ