Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định việc xếp loại, đánh giá CBCCVC theo thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ảnh minh họa
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa đã ký ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU ngày 28/10/2021 về việc ban hành Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Quyết định này thay thế Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16/5/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Quy định mới gồm 5 chương, 17 điều và nêu rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, căn cứ, nguyên tắc đánh giá; tiêu chí, thẩm quyền đánh giá, xếp loại; quy trình đánh giá.
Về nguyên tắc đánh giá, việc đánh giá, xếp loại CBCCVC hàng tháng phải bảo đảm dân chủ, chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, công tâm, không mang tính hình thức, nể nang, trù dập, thiên vị và bảo đảm đúng thẩm quyền đánh giá. Cấp nào, người nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc thì đồng thời thực hiện nhận xét, đánh giá, xếp loại. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định việc xếp loại, đánh giá CBCCVC theo thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với việc đánh giá, xếp loại phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ về tiến độ, chất lượng, sản phẩm cụ thể; số lượng công việc được giao theo kế hoạch; nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất; mức độ khó, phức tạp, yêu cầu trình độ chuyên môn của công việc; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chấp hành các quy định, quy chế. Việc đánh giá cần làm rõ ưu, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về phẩm chất, năng lực, trình độ của CBCCVC. Việc đánh giá, xếp loại CBCCVC lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Trường hợp
CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, xếp loại.
Đối với CBCCVC vì lý do đau ốm, nghỉ phép, nghỉ thai sản, được cử đi đào tạo, bồi dưỡng (không tập trung) mà thời gian làm việc thực tế trong tháng chưa đạt trên 50% số ngày làm việc của tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại từ “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; trường hợp xếp loại ở mức khác do lãnh đạo có thẩm quyền đánh giá quyết định. Kết quả đánh giá, xếp loại CBCCVC hàng tháng là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC và đảng viên hàng năm.
Về tiêu chí đánh giá, xếp loại (thang điểm 100): Nhóm tiêu chí về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật (tối đa 20 điểm). Nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tối đa 80 điểm). Căn cứ vào thang điểm quy định đối với các tiêu chí và mức độ vi phạm của CBCCVC, tập thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định số điểm trừ đối với từng tiêu chí đánh giá, xếp loại. Điểm trừ không vượt quá số điểm quy định của từng tiêu chí. Việc tổ chức biểu dương khen thưởng đối với CBCCVC hàng tháng phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất về nội dung và mức khen thưởng của cơ quan, đơn vị…
Trần Long - KTĐT