Dạo quanh chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chúng tôi nhận thấy ở đây có một số hàng bún, cháo, bánh cuốn, nem rán cùng các loại nước chanh, dứa, dừa và trái cây bổ sẵn phục vụ thực khách, rất đông người dân ăn uống.
Sau khi mua sắm, chị Nguyễn Thị Hương (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) rất khát nước và đói. Bởi vậy, chị đã tạt vào một hàng ăn nhanh tại chợ Nhà Xanh và ăn một suất bánh cuốn, kèm theo vài chiếc nem chua rán, uống một cốc nước dừa được cho sẵn vào túi nilon.
Chị Hương chia sẻ: “Tôi có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, chế biến sẵn tại các chợ dân sinh bởi sự tiện lợi, giá cả hợp lý và nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi không biết các loại thức ăn này có đảm bảo vệ sinh an toàn hay không. Dù hiểu rrằng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc và các loại bệnh liên quan đến đường tiêu hóa do thực phẩm gây ra nhưng vẫn “tặc lưỡi”… ăn cho đỡ mất công tìm chỗ khác”.
Một hàng ăn ở khu vực chợ Nhà Xanh
Mỗi buổi sáng khu vực chợ Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội đông tiểu thương, người dân đến trao đổi mua bán. Chợ ẩm thấp với các loại hàng hoá, trong đó nhiều nhất là các loại thực phẩm, thịt lợn, gà, ngan, vịt, cá, tôm, rau củ quả… xen lẫn vào là một số hàng ăn trong không gian ẩm thấp, thiếu vệ sinh.
Dù vậy, vẫn có nhiều thực khách chọn đó là những hàng ăn tiện lợi và thường xuyên lui tới nỗi khi đi chợ. Ngay ở khu “chợ cóc” hoạt động trên đường Nguyễn Văn Trác (Dương Nội, Hà Nội) cũng có những hàng bán bánh mì, thịt xiên nướng, thu hút khá đông thực khách. Với chiếc bếp than, quạt tay, những xiên thịt được nướng thơm phức và đưa cho khách, được mọi người ăn ngon lành, ít ai nghĩ đến vấn đề an toàn thực phẩm và quá trình chế biến món ăn đó có đảm bảo vệ sinh.
Thậm chí, tại các chợ dân sinh, nhiều người bán hàng không đeo khẩu trang, không đi găng tay, không dùng dụng cụ gắp, mà dùng tay trần thoăn thoắt bốc bún, món ăn, rau sống… cho khách ăn. Đáng nói hơn là bát đĩa, thìa đũa ăn xong được tống chung vào một chậu nước, sau đó được rửa và tráng qua loa, khăn lau khô bát đũa dùng chung cho cả lau tay…
Những món ăn bắt mắt nhiều màu sắc được bày bán ở chợ
Từng ăn hàng tại chợ và nhiều lần bị đau bụng, chị Hoàng Kiều Lam (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) “bị ám ảnh”. Chị Lam bày tỏ, nhiều quán ăn lụp xụp, nhếch nhác với giấy, thức ăn rơi vãi. Bằng mắt thường có thể nhận thấy, các điều kiện vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại đây không hề đảm bảo vệ sinh. Chưa nói đến, môi trường tại nhiều chợ rất mất vệ sinh, bởi nước thải, nước đọng đổ tràn lan ra khu vực xung quanh chợ. Cách chế biến thực phẩm cũng không đảm bảo an toàn. Chính ý thức của người bán hàng và cả người mua hàng còn hạn chế đã “tiếp tay” cho vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã, đang diễn ra trên địa bàn Thủ đô”.
Theo chị Lam, để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, việc quan trọng nhất và hơn cả là ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đồng thời, mỗi người mua- bán cần phải trang bị cho bản thân kiến thức về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời những quán ăn đường phố không tuân thủ và đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Bình Minh - TTTĐ