Hủy hoại sức khỏe vì giảm cân làm đẹp cấp tốc
Kinhte&Xahoi
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh phải đẹp nhanh khiến nhiều người tìm đến thuốc và thực phẩm giảm cân làm đẹp cấp tốc, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần.
Các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc thường gây hại đến sức khoẻ chi người dùng
Bất chấp ảnh hưởng sức khỏe
Hai năm trước, Chen Lu (36 tuổi), Trung Quốc đã mua và sử dụng một loại thuốc giảm cân trên mạng. Cô đã giảm được 15kg trong 2 tuần. Tuy nhiên, từ đó cơ thể cô bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường. Sau khi ngưng dùng thuốc, Chen tăng thêm tới 45kg và mắc chứng rụng tóc nặng.
Cô lấy thuốc mình dùng đi kiểm tra và phát hiện trong đó chứa sibutramine. Đây là một chất ức chế thèm ăn bị cấm ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc.
Tại đất nước tỷ dân này, Chen không phải người duy nhất chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các loại thuốc giảm cân bán tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều cô gái giống Chen bị thu hút bởi các loại thuốc và thực phẩm ăn kiêng không rõ nguồn gốc, cuối cùng bị hủy hoại cả thể chất lẫn tinh thần.
Cô Li ở Hà Nam, Trung Quốc, cũng đã dùng một loại thuốc được quảng cáo giảm cân với nội dung tương tự. Theo giới thiệu, chỉ cần uống một viên vào buổi sáng và một viên buổi tối, cân nặng của người dùng sẽ giảm khi đi ngủ.
Tuy nhiên, dùng được ít ngày, cô đã bị mất ngủ và đau đầu suốt một tuần và phải ngưng sử dụng.
Tương tự, cô Zhang Jun ở thành phố Bắc Kinh, cũng gặp vấn đề về sức khoẻ khi mua một sản phẩm có tên là “kẹo ăn kiêng” trên mạng.
Sau khi uống, ban đầu cô có biểu hiện rất khát nước và liên tục đi vệ sinh, sau đó là chán ăn, nhịn cả ngày không thấy đói và kèm theo các triệu chứng của thiếu máu.
Tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, gầy trở thành một tiêu chí của các tín đồ làm đẹp. Nhiều người bất chấp tìm đến các loại thuốc, thực phẩm giảm cân được bán trái trái phép.
Để nhanh chóng đạt mục đích giảm cân, một số loại thuốc đã được bổ sung thêm các thành phần bị cấm như sibutramine và ephedrine. Người sử dụng lâu dễ gặp các vấn đề như nhịp tim nhanh, mất ngủ, phản ứng có hại cho đường tiêu hóa, tổn thương gan, thận và rối loạn hệ nội tiết…
Sử dụng kem kháng viêm làm trắng da
Tại Ấn Độ, nỗi ám ảnh làm trắng da cấp tốc cũng khiến nhiều phụ nữ tại quốc gia này gặp hệ luỵ khủng khiếp.
Cô Soma Banik kể lại trải nghiệm sử dụng kem có chứa steroid trên blog cá nhân (Ảnh: CNN)
Soma Banik nhớ lại khi mới 14 tuổi, một người hàng xóm nói với mẹ cô rằng con họ đã được lợi như thế nào khi da trắng hơn nhờ một loại kem mới. Mong muốn con có tương lai hơn ở một quốc gia nơi làn da sáng được coi là điều đáng mơ ước và gắn với thành công, mẹ của Banik đã nghe theo lời khuyên của người hàng xóm.
“Tôi đã rất thất vọng vì đó chỉ là một tuýp kem xuềnh xoàng nhưng nó nắm giữ bí mật với tương lai của tôi”, cô Banik kể.
Bạn học của cô cũng nhận ra ngay sự khác biệt, thường khen cô trông xinh hơn. Tuy nhiên chỉ sau hai tháng dùng kem steroid, Banik bắt đầu thấy có cảm giác mặt nóng râm ran mỗi khi ra nắng.
Vào một buổi sáng, cô bé Banik quên thoa kem và chỉ trong vòng vài giờ, một nốt mụn thịt đã xuất hiện trên cằm. Mặc dù nốt mụn nhanh chóng lặn đi khi được xoa kem lên nhưng mặt Banik bắt đầu ngứa liên tục. Cô bị nổi nhiều mụn và một năm sau thì lông mọc lên khắp mặt.
Các bác sĩ da liễu Ấn Độ cho biết triệu chứng của Soma Banik như ngứa, bộc phát mụn trứng cá và rậm lông trên mặt là dấu hiệu của da mặt bị tổn thương, phụ thuộc vào steroid, do dùng quá nhiều hoặc kéo dài.
Các loại corticosteroid tại chỗ như betamethasone là loại thuốc corticosteroid kháng viêm mạnh thường được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh về da như vẩy nến, chàm, đi kèm một trong những tác dụng phụ là làm sáng da.
Các loại kem này chỉ nên được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và mua bán theo toa. Tuy nhiên ở Ấn Độ, betamethasone và các loại kem corticosteroid khác thường xuyên bị lạm dụng như một chất làm trắng da, chủ yếu ở phụ nữ.
Ngoài việc dễ dàng mua được thuốc, còn một yếu tố khác đang làm trầm trọng thêm vấn đề. Theo Tiến sĩ Damisetty, Chủ tịch Hiệp hội Các bác sĩ da liễu và bác sĩ bệnh phong Ấn Độ, chất corticosteroid cũng có trong nhiều loại kem mỹ phẩm, được tiếp thị công khai là sản phẩm làm trắng da và đáng báo động là steroid thường không được liệt kê trong bảng thành phần.
Ngọc Ly - TTTĐ