Khuyến khích người dân sử dụng hàng nội địa
Kinhte&Xahoi
Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu tổn thương trầm trọng gồm cả Việt Nam, đây là thời điểm cần tìm phương hướng vượt qua khủng hoảng kinh tế thời hậu dịch bệnh, và một trong những giải pháp quan trọng được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao, đó là kích thích người dân sử dụng các sản phẩm nội địa.
Đại dịch bùng phát và lan rộng, các quốc gia triển khai hàng loạt các biện pháp các ly, đóng cửa biên giới, hạn chế nhiều hoạt động giao thương, du lịch, hàng không ngừng hoạt động, nhiều dịch vụ kinh doanh liên quốc gia cũng bị đóng băng, tạm dừng…
Trước thực trạng trên, kêu gọi người dân sử dụng các sản phẩm nội địa là giải pháp tình thế tốt nhất để vận hành cỗ máy kinh tế nhanh chóng hoạt động trở lại.
Trong một bài viết mới đây của tác giả Judith D. Schwartz trên Times đã đề cập đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ở thời điểm ấy, khắp nơi tại bang Arizona (Mỹ) lan tỏa thông điệp: "hãy hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương". Và theo các nhà kinh tế học, việc mua hàng nội địa có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với một nền kinh tế.
Kêu gọi người dân sử dụng các sản phẩm nội địa là giải pháp tốt trong dịch Covid -19.
Về cơ bản, khi bạn mua món đồ sản xuất tại nội địa, bạn đã gián tiếp để tiền được lưu hành trong cộng đồng. New Economics Foundation (NEF) - một tổ chức tư vấn kinh tế tại London (Anh) đã thử so sánh việc khi mọi người mua sắm rau củ tại siêu thị nơi hàng hóa chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu, với việc mua nông sản địa phương. Kết quả cho thấy lượng tiền lưu hành trong cộng đồng nhiều hơn gấp đôi khi người dân mua nông sản địa phương. Điều đó có nghĩa, hiệu quả từ việc mua sắm nội địa sẽ lớn gấp đôi, qua đó trước mắt giúp cho nền kinh tế nội địa được vận hành hiệu quả hơn.
Việc tích cực sử dụng sản phẩm nội địa, cũng chính là hành động thiết thực của mỗi người dân hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, cùng với đó cũng mang đến nhiều những hiệu quả ngay trước mắt, doanh nghiệp sẽ duy trì được sản xuất và phát triển, tiếp tục đóng góp cho sự ổn định của nền kinh tế, thuế không cần phải tăng, ngân sách đủ để đầu tư vào giáo dục và y tế. Tổn hại từ môi trường cũng giảm bớt do bớt được chi phí vận chuyển.
Việc mua hàng nội địa còn có một tác dụng khác, ngay cả khi sản phẩm nội địa đó có giá cao hơn, nhưng nó mang lại sự cải thiện cơ hội việc làm, giúp người lao động trong nước giữ được công việc của mình trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Hiệu ứng này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn về lâu dài, giúp cho các công ty nội địa trở nên mạnh mẽ hơn, tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Trên thực tế, không một quốc gia nào chỉ nên dựa vào sản phẩm nội địa, vì làm như vậy sẽ khiến cộng đồng trở nên tách biệt, về lâu dài sẽ tạo hiệu ứng xấu. Tuy nhiên khi kinh tế gặp khó khăn, việc hỗ trợ, tiêu thụ hàng hóa địa phương sẽ giúp tái tạo sự đa dạng của các doanh nghiệp trong nước. Cũng là một sự chuẩn bị cho doanh nghiệp có một sức khỏe tốt, tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào thị trường toàn cầu khi nên kinh tế thế giới hồi phục.