Sản phẩm thuốc viên nang Linsen Double Caulis không đạt tiêu chuẩn
Sở Y tế Hà Nội nhận được văn bản hỏa tốc số 5/YDCT-QLD ngày 3/1/2024 của Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế thông tin về mẫu sản phẩm viên nang Linsen Double Caulis (số lô: 907795 E; hạn dùng: 08/3/2028; số đăng ký: không có; nơi sản xuất: WELIP (M) SDN. BHD.-Malaysia), không có thông tin cơ sở nhập khẩu và không đạt yêu cầu chất lượng, phát hiện Piroxicam và Dexamethasone có trong thành phần công thức.
Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm nêu trên.
Viên nang Linsen Double Caulis không đạt chất lượng. Ảnh Cổng TTĐT Sở Y tế Hà Nội
Sở Y tế đề nghị phòng y tế các quận, huyện, thị xã kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thuốc cổ truyền, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc cổ truyền, dược liệu giả, không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng đúng theo quy định.
Được biết sản phẩm này thành phần các vị thuốc y học cổ truyền, dùng để điều trị khu phong trục thấp, thư gân hoạt lạc tê toàn thân, cường tráng gân cốt, các bệnh phong thấp do phong hàn gây nên.
Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về buôn lậu, hàng giả, mất vệ sinh an toàn thực phẩm
Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Bộ Y tế, năm 2023, các đơn vị, địa phương đã tích cực chủ động triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp và dự báo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm, ... đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó có các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
Trước thực tế nêu trên theo đề nghị của Bộ Y tế các cơ quan liên quan cần ưu tiên tập trung việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nhiều trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Lễ hội Xuân 2024.
Cùng với đó, phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến các quy định, kiến thức về phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, việc quảng cáo làm sai lệch bản sản phẩm hàng hóa trên các trang mạng xã hội, kịp thời cảnh báo nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bộ Y tế cũng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Kịp thời đưa tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm để mọi người dân biết.
Nếu phát hiện hành vi nghi ngờ có dấu hiệu của tội phạm, đề nghị chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định
Thanh Thảo - Đào Xuân - Pháp luật Plus