Mặt trái của giảm giá khủng
Kinhte&Xahoi
Trước đây, các chương trình khuyến mãi, đẩy hàng thường diễn ra vào những ngày lễ lớn và tập trung lớp nhất ở dịp cuối năm, bao gồm Black Friday, Noel, Tết Dương lịch và âm lịch. Tuy nhiên, những năm qua việc mua sắm online nở rộ, nhiều nhà bán hàng có những quy định riêng về thời điểm giảm giá.
Cuối năm nhiều chương trình khuyến mãi.
Những phiên chợ giảm giá thường diễn ra vào cuối mỗi tuần. Sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử cũng đưa đến những thay đổi thói quen trong mua sắm cũng như “săn sale”.
Các sàn thương mại điện tử đang ở giai đoạn đầu tư, đẩy mạnh tại thị trường Việt Nam. Người tham gia sàn thường xuyên được khuyến khích tham gia các chương trình giảm giá của họ. Đồng thời, cứ vào thời gian cố định ngày trùng với con số của tháng, các sàn này lại có đợt giảm giá lớn, tạo ra “ngày hội” riêng thu hút khách mua sắm.
Các chiêu khuyến mãi quanh năm đã tạo nên không khí mua sắm rầm rộ, kích cầu tiêu dùng không ít. Tuy nhiên, mặt trái của những chương trình giảm giá, kích cầu này là tạo nên tâm lý mua sắm “không điểm dừng” của một bộ phận giới trẻ.
Nguyễn Hà Thanh An, 26 tuổi, là nhân viên làm việc tại một công ty có văn phòng tại tòa nhà Belta, quận 1. Cô gái trẻ này chia sẻ cô và các đồng nghiệp có thói quen mua sắm “săn sale”. “Các đợt sale trong tháng, tôi và đồng nghiệp văn phòng í ới nhau mua sắm. Có những ngày, nhân viên văn phòng chạy lên chạy xuống để nhận hàng ship liên tục đến mức sếp phải nhắc nhở. Khó lòng cưỡng lại những chương trình giảm giá quá hấp dẫn diễn ra liên tục”.
Tuy nhiên, Thanh An cũng thừa nhận, không ít lần cô và các đồng nghiệp mua hàng vì bị hấp dẫn bởi chương trình giảm giá, sau đó mua sản phẩm về và không sử dụng, vì không có nhu cầu thực sự hoặc sản phẩm chất lượng không như ý.
Thực tế, các chương trình khuyến mãi thường đánh vào tâm lý “mê hàng giảm giá” của số đông người tiêu dùng, kích thích người tiêu dùng nảy ra thói quen mua sắm, chứ thực chất, đa phần bản thân người tiêu dùng chưa có nhu cầu.
Giờ đây, việc mua sắm online lại quá dễ dàng, chỉ cần chuyển khoản, thanh toán thông qua các ví điện tử, hoặc trả trước qua các thẻ ghi nợ… khiến người tiêu dùng càng dễ thiếu kiểm soát trong việc mua sắm.
P. Đông - Pháp luật Plus