Muối 'dởm' cho người nghèo, ai là người chịu trách nhiệm?
Kinhte&Xahoi
Đó là thông báo của Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên tại Chương trình cấp muối i-ốt cho các hộ nghèo thuộc huyện Mường Chà.
Chương trình cấp muối i-ốt cho các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên năm 2018 được thực hiện theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Công văn của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản.
Theo Biên bản giám sát của Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên thì: Đơn vị đã tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên, chọn gia đình ông Lý A Phìa ở bản Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà – đây là một hộ dân nằm trong hàng nghìn hộ khác thuộc địa bàn của huyện được thụ hưởng chương trình cấp muối i-ốt theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại Điện Biên năm 2018.
Tại đây đơn vị đã tiến lấy bột canh để phân tích chỉ tiêu về chất lượng an toàn thực phẩm.
Đoàn của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên lấy mẫu sản phẩm tại gia đình ông Lý A Phìa.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Sau khi tiến hành lấy mẫu, đơn vị đã đưa đi phân tích chỉ tiêu các hàm lượng vi chất như: Hàm lượng ion Canxi; hàm lượng ion Sunphat và hàm lượng i-ot quy đổi ra KiO3 trong sản phẩm. Kết quả phân tích cho thấy, các hàm lượng như: Hàm lượng ion Canxi; hàm lượng ion Sunphat đúng với công bố chất lượng trên bao bì của sản phẩm. Tuy nhiên, không phát hiện ra hàm lượng i-ốt như kết quả công bố ghi trên bao bì sản phẩm của nhà sản xuất.
Đây là sản phẩm được đưa đi kiểm định.
Theo tìm hiểu của PV, thực hiện Quyết định Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2018 huyện Mường Chà đã tiến hành cấp phát muối i-ốt và bột canh i-ốt cho 30.778 khẩu, với tổng số muối i-ốt và bột canh i-ốt hơn 87 tấn, trong đó muối i-ốt 66 tấn và bột canh i-ốt 21 tấn. Số muối và bột canh i-ốt này đều do một Công ty cung ứng.
Danh sách các xã được thụ hưởng chương trình cấp muối và bột canh i-ốt của huyện Mường Chà.
Với kết quả phân tích của Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên công bố thì số bột canh i-ốt cấp phát cho các hộ nghèo thuộc huyện Mường Chà theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã không có hàm lượng i-ốt. Hay nói cách khác những hộ dân nghèo của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đang phải dùng sản phẩm trên bao bì ghi có hàm lượng i-ốt nhưng thực tế lại là “không”.
Được biết, thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấp phát muối và bột canh i-ốt cho các hộ nghèo không chỉ có ở huyện Mường Chà mà được nhiều địa phương của tỉnh Điện Biên triển khai từ nhiều năm nay. Một câu hỏi đặt ra là đã có bao nhiêu người dân của tỉnh Điện Biên dùng sản phẩm muối và bột canh do dự án cấp phát không có hàm lượng i-ốt? Trách nhiệm đó thuộc về ai?
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc cơ sở làm ăn gian dối, sự tiếp tay cho gian dối làm ảnh hưởng đến chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo ở Điện Biên trong những bài viết tiếp theo.
Theo GĐPL