Làm shipper để có tiền mua đồ cho con
Qua cuộc gặp ngắn ngủi trên phố Lê Văn Lương, (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Trường - một shipper quê ở Tân Yên (Bắc Giang) - cho biết: "Những ngày giáp Tết, từ sáng đến giờ, tôi đã giao được hơn chục đơn hàng rồi. Tôi cố gắng đến giữa buổi sáng hết giỏ này rồi về đi mấy chuyến nữa".
Mỗi một gói hàng giao trên địa bàn thành phố Hà Nội, anh được trả công từ 20.000 - 30.000 đồng. Những ngày cao điểm cuối năm âm lịch, anh Nguyễn Văn Trường có thể giao tới 50 chuyến/ngày.
Anh Nguyễn Văn Trường tất bật giao hàng từ sáng sớm
Theo anh Nguyễn Văn Trường, dịp cận Tết, nhân viên văn phòng bận rộn nên giảm thời gian ra ngoài mua sắm. Nhu cầu mua hàng hóa cũng tăng cao nên từ đầu tháng 12 âm lịch là lúc những shipper bận rộn.
"Năm vừa rồi tôi làm nghề lái xe. Mất việc do dịch Covid-19, tôi chuyển sang nghề này. Tuy vất vả hơn trước nhưng thu nhập cũng tạm ổn. Cố làm từ nay đến 28 Tết thì về quê mua cho con gái cái áo mới, sắm sửa cho gia đình" - anh Nguyễn Văn Trường tâm sự.
Cùng cảnh tất bật ngày giáp Tết, chị Nguyễn Phương Hoa trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) tâm sự: "Bận cứ như ngày mùa ấy, nhiều hôm tôi phải ăn uống vội vàng cho đủ sức mà chạy xe. Có ngày tôi phải đổ xăng 2 lần mới đủ đi giao hàng, con cũng phải nhờ người đón hộ".
Theo chị Hoa thì đây chính là ngày mùa của cánh Shipper
Nếu như trước đây, chị chỉ nhận được khoảng 20 đơn hàng mỗi ngày. Những ngày cận Tết, chị có thể nhận tăng gấp đôi, gấp ba con số đó. Bên cạnh đó, vào giờ cao điểm, khách đặt thức ăn chi phí cũng được tính cao hơn. Nhiều hôm, trừ chi phí chị cũng kiếm được khoảng 2 triệu đồng.
Tuổi nghề không dài vì áp lực
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn Đức Hoàng, quê ở Kim Bôi (Hòa Bình) cho hay: "Cuối năm cũng tùy người mới có nhiều việc, Làm nghề này, chủ yếu là mình phải chịu khó, nhanh nhẹn. Ban ngày tôi giao hàng hóa, tối cố gắng nhận thêm giao đồ ăn. Bởi, các đơn hàng khuya thường hay được khách "bo" thêm nhiều tiền".
Theo anh Nguyễn Đức Hoàng, bên cạnh việc giao các hàng hóa như quần áo, đồ dùng thì shipper các mặt hàng khác như thức uống, cà phê, trà sữa, đồ ăn nhanh… cũng tăng thu nhập đáng kể nhờ số lượng khách đặt hàng gia tăng.
Anh Hoàng cho rằng làm nghề này, chủ yếu là mình phải chịu khó, nhanh nhẹn
Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng trên đã đẩy mạnh bán hàng dịp Tết thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website... Thậm chí, họ cũng không ngần ngại điện thoại tư vấn trực tiếp cho khách hàng, rồi sau đó bố trí nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển giao hàng đến tận nhà cho khách.
"Những ngày này, người làm nghề giao hàng như chúng tôi rất phấn khởi, thay vì ngồi chờ khách như trước thì nay chúng tôi vừa làm vừa phải nói khéo để san sẻ khách hàng bởi không đi giao kịp" - anh Nguyễn Đức Hoàng nói.
Anh Lê Văn Trung, quê ở Thường Tín (Hà Nội) đã có 4 năm kinh nghiệm làm nghề giao hàng cho rằng, năm nào cũng vậy, thời điểm cuối năm là lúc những shipper "gặt hái" nhiều nhất.
Không khó để bắt gặp hình ảnh shipper xếp hàng dài chờ khách nhận hàng dưới các chân tòa chung cư
Cho dù hiện nay, số lượng người làm nghề giao hàng tăng cao nhưng phát triển cùng với đó là nhu cầu sử dụng dịch vụ này cũng nhiều.
"Trước đây, tôi chủ yếu giao hàng cho khách quen, nay phải giao cả khách lạ nữa vì sắp Tết nên cần chi tiêu nhiều. Một ngày, nhất là trưa và tối, hơn 20 cuốc giao đồ ăn là chuyện bình thường, trừ các chi phí, cộng cả tiền khách "bo" kiếm được gần 1 triệu đồng" - anh Lê Văn Trung nói.
Anh Lê Văn Trung đi nhận đơn hàng từ tối để chuẩn bị cho buổi giao sáng hôm sau
Anh kể lại, nhiều hôm đi từ sáng sớm đến tối mịt, về nhà mệt phờ chẳng muốn ăn uống gì. Nhưng những ngày này, thu nhập cao hơn nhiều lần ngày thường nên phải cố gắng. Để giữ được khách quen, những người làm nghề như anh luôn phải gấp gáp, nhanh nhẹn để giao cho kịp giờ.
Anh Lê Văn Trung chia sẻ: "Tôi cũng chỉ cố làm vài năm nữa rồi mở cửa hàng nho nhỏ đề kinh doanh chứ nghề này, không làm lâu dài được, nhất là những ngày này, rất tốn sức, không đi thì mất khách quen mà đi nhiều rất mệt".
Phạm Công - Theo Dân Trí