Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 5 điều cần làm ngay để phòng, chống dịch bệnh Covid-19

26/03/2020 11:11

Kinhte&Xahoi Ngày 25/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đã họp trực tuyến triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Thảo luận về diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực, đánh giá các mô hình phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo nhận định, nhìn chung trong giai đoạn 1, các quốc gia phòng, chống dịch bệnh tốt đều cố gắng kéo dài nhất thời gian dịch bệnh lây lan dưới mốc 100 ca nhiễm bệnh. Tương tự, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 phải cố gắng kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm Covid-19.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 93 quốc gia có trên 100 ca nhiễm bệnh, trong đó Việt Nam đã có 134 ca, do đó thời gian tới chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kéo dài thời gian dịch bệnh lây lan ở dưới mốc 1.000 càng lâu càng tốt.

Trên tinh thần đó, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: Tổ chức tiếp nhận, cách ly người từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam; quản lý biên giới phía Tây Nam; công tác bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men, sinh phẩm… phục vụ xét nghiệm, điều trị bệnh; tổ chức phân luồng điều trị người bệnh…

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, về năng lực xét nghiệm, hiện mỗi ngày, Việt Nam có thể xét nghiệm từ 8.000 - 10.000 mẫu. Chúng ta đang chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng lực xét nghiệm thời gian tới.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung xét nghiệm, sàng lọc tất cả các trường hợp đang được cách ly tập trung, đặc biệt là những nơi có số lượng người cách ly lớn như Hà Nội, TPHCM. Lực lượng quân đội hỗ trợ xét nghiệm cho các khu cách ly tập trung tại các tỉnh miền Trung.


Trong giai đoạn hiện tại, cơ bản chúng ta có đủ máy móc, vật tư, trang thiết bị bảo hộ… để phục vụ điều trị cho người bệnh, đồng thời tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới.

Ban Chỉ đạo đề nghị địa phương trước hết phải kiểm soát để các trường hợp nghi ngờ phải thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà, nơi cư trú; theo dõi, cập nhật tình hình sức khoẻ hằng ngày; tiếp đó tiến hành thu thập thông tin về các địa điểm người nghi ngờ đã di chuyển, danh sách những người đã tiếp xúc để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, chính quyền cơ sở phải tập trung tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm sớm…

Ban Chỉ đạo đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, bảo đảm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa giữ yên lòng dân và phát triển sản xuất.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi: Mỗi người dân phải có trách nhiệm với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mình, của những người xung quanh và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, thực hiện thật tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Với tinh thần đoàn kết toàn dân “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã đạt được những kết quả tốt trong giai đoạn 1, hiện đang kiểm soát được dịch bệnh. Mặc dù là nước được đánh giá có nguy cơ rất lớn, dân số đông nhưng chúng ta chưa có người tử vong, số người nhiễm đứng thứ gần 80 trên thế giới.

Tuy nhiên, chúng ta đã ở vào thế “trong đánh ra, ngoài đánh vào”. Trên thế giới dịch bệnh đang diễn biến rất nhanh, hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều nước có nền y tế, kinh tế phát triển hơn chúng ta nhiều lần nhưng đã hàng chục ngàn người nhiễm bệnh, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tử vong. Bệnh dịch đã và đang đe doạ sức khoẻ, tính mạng của mọi người, không kể màu da, quốc tịch, tuổi tác, giới tính, ở nông thôn hay thành thị.

Bệnh dịch không phải ở đâu xa mà đã ở ngay sát mọi người, mọi quốc gia. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây bệnh cho người khác nếu không thực hiện nghiêm, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, hướng dẫn của ngành y tế. Ngược lại, nếu thực hiện tốt thì mỗi người sẽ không bị lây nhiễm và đất nước sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh như đã làm được ở giai đoạn 1.

Đây là thời điểm chúng ta cần tập trung cao độ, không để cho dịch bệnh lan rộng.

Các quy định, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế đã rất đầy đủ, các hướng dẫn có rất nhiều. Chúng ta phải phát huy cao độ tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm.

Các tổ chức, cá nhân phải thực hiện nghiêm theo đúng quy định, chỉ thị của Thủ tướng, của các cấp chính quyền, nếu không nhất định phải bị xử lý nghiêm và lên án mạnh mẽ.

Mỗi người phải có trách nhiệm với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mình, của những người xung quanh và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước.

Phó Thủ tướng đề nghị người dân cần thực hiện thật tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, thậm chí những hướng dẫn đòi hỏi mỗi người phải thay đổi một số thói quen và gây bất tiện. Trong đó đặc biệt lưu ý phải làm tốt một số điểm:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

Tóm lại, mỗi người dân hãy nhớ và làm theo mấy từ sau:

Thứ nhất: Hạn chế ra ngoài.

Thứ hai: Khoảng cách, khẩu trang.

Thứ ba: Rửa tay thường xuyên.

Thứ tư: Vệ sinh nhà cửa.

Thứ năm: Khai báo y tế.

“Làm tốt các hướng dẫn, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Rùng mình quy trình sản xuất miến đến mâm cơm người tiêu dùng

Nổi tiếng từ những năm 1960 với khoảng hơn 2.800 hộ tham gia sản xuất, nằm bên bờ tả sông Đáy, Xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức TP Hà Nội với nghề làm miến truyền thống. Tuy nhiên, với nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng nhiều hộ sản xuất tại đây đang dần bỏ đi phương pháp sản xuất truyền thống mà thay vào đó là những công nghệ miến khiến người tiêu dùng không thể không nghi ngờ về chất lượng miến hiện nay.

‘Ma trận’ nấm linh chi giả, mối nguy hại cho người tiêu dùng

Nấm linh chi là một trong những vị thuốc quý, nên nhiều người dân chịu chi một số tiền không nhỏ để mua về sử dụng bởi công dụng tốt, bồi bổ sức khoẻ… Lợi dụng điều này, nhiều tiểu thương đã đánh tráo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, gây mối nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/infographic-pho-thu-tuong-vu-duc-dam-5-dieu-can-lam-ngay-de-phong-chong-dich-benh-covid-19-378860.html