Vừa qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được một số thông tin phản ánh liên quan đến sản phẩm được kinh doanh, bày bán tại hệ thống siêu thị Lan Chi Mart trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mập mờ nguồn gốc, không có tem mác, thậm chí có sản phẩm là hàng thực phẩm đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được bán cho người tiêu dùng.
Để ghi nhận về những thông tin trên, PV đã có mặt trực tiếp tại 2 siêu thị lớn của hệ thống siêu thị Lan Chi Mart tại TX Đông Triều và Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) để tìm hiểu thực tế.
Theo quan sát của PV, những phản ánh của bạn đọc hoàn toàn có căn cứ. Tại siêu thị Lan Chi Mart Quảng Yên và Lan Chi Mart Đông Triều đều xuất hiện một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả, nhái, không rõ nguồn gốc; Nhiều sản phẩm quần áo, giày dép, hàng gia dụng không có nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản phẩm không rõ ràng, cũng không có tem phụ bằng tiếng Việt... được bày bán.
Tại gian hàng thời trang trong siêu thị Lan Chi Mart Quảng Yên, nhiều mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách… trên mác chỉ có tiếng nước ngoài, không có thông tin về chất liệu, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm
Sản phẩm giày dép trẻ em cũng toàn chữ nước ngoài
Tại gian hàng đồ gia dụng của siêu thị Lan Chi Mart Đông Triều, các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhiều nhan nhản...
Người tiêu dùng chỉ thấy chữ nước ngoài trên bao bì sản phẩm...
Nhãn hiệu hàng hóa là một trong những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán, lưu hành trên thị trường. Do vậy, pháp luật cũng đã đưa ra những quy định rõ ràng về cách thức gắn nhãn mác sản phẩm đối với từng đối tượng cụ thể tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa, những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn phải được ghi bằng tiếng Việt (trừ một số quy định khác). Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Ngoài ra, tại siêu thị Lan Chi Mart Quảng Yên cũng bày bán nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em không có nhãn mác, bao bì toàn tiếng nước ngoài và không có bất cứ dòng thông tin sản phẩm (tem nhãn phụ) nào bằng tiếng Việt.
Tại gian hàng đồ chơi trẻ em của siêu thị Lan Chi Mart Quảng Yên, các sản phẩm ghi nhãn mác và chữ nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt
Không có bất cứ dòng thông tin sản phẩm (tem nhãn phụ) nào bằng tiếng Việt trên sản phẩm
Sản phẩm tại gian hàng đồ chơi trẻ em nhưng không có thông tin, nguồn gốc xuất xứ, cách sử dụng... mà chỉ có giá tiền
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; Nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu. Ngoài ra, trên bao bì cần ghi rõ lứa tuổi phù hợp với đồ chơi, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo đặc thù đối với loại đồ chơi đó và có dấu chứng nhận hợp quy (CR), các sản phẩm phải được in hoặc dán tem CR lên bao bì.
Nghiêm trọng hơn, trên bao bì một số mặt hàng thực phẩm như nước hoa quả được bày bán tại siêu thị Lan Chi Mart Đông Triều cũng chỉ có nhãn chữ nước ngoài và không có thông tin về đơn vị nhập khẩu. Người tiêu dùng không thể biết thành phần có trong nước này gồm những gì.
Qua quan sát của phóng viên, thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng in trên sản phẩm rất nhập nhèm, có dấu hiệu tẩy xoá, thay thế ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm. Thậm chí, mặt hàng thực phẩm là bánh mì được bán ra đến tay người tiêu dùng khi đã hết hạn sử dụng.
Mặt hàng nước hoa quả uống nhiều chữ nước ngoài giống chữ Thái Lan không có thông tin về đơn vị nhập khẩu. Thậm chí thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng in trên sản phẩm rất nhập nhèm, có dấu hiệu tẩy, thay thế ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm.
Hóa đơn của khách mua hàng tại siêu thị Lan Chi Mart Quảng Yên ngày 6/1/2022 nhưng sản phẩm bánh mì bán cho người tiêu dùng thì đã hết hạn sử dụng từ vài hôm trước. Việc lưu thông thực phẩm đã hết hạn sử dụng là vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng
Theo quy định, các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng, nhất là lương thực, thực phẩm... khi hết hạn sử dụng phải tiêu hủy, chỉ một số ít trường hợp có thể tái chế để sử dụng, tận dụng nhưng cũng phải theo quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Việc lưu thông, sử dụng sản phẩm, hàng hóa hết hạn, nhất là các loại thực phẩm, nước uống, mỹ phẩm… có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.
Lan Chi Mart được biết đến là hệ thống siêu thị lớn, chỉ sau Vinmart, Big C... và có hệ thống siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố. Việc xuất hiện một số lượng hàng hoá lớn không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng được bày bán và tiêu thụ khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.
Cận kề Tết Nguyên đán là thời điểm số lượng hàng hóa được tiêu thụ nhiều nhất trong năm. Chính vì vậy, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc được trà trộn vào thị trường khá lớn, đe dọa đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng... do vậy các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thanh kiểm tra để chấm dứt tình trạng trên.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin!
Trần Huyền - Ngọc Quyết - TTTĐ