Săn hàng giảm giá mùa Tết, nên hay không?
Kinhte&Xahoi
Cuối năm, hàng loạt các cửa hàng, thương hiệu lại tung ra chương trình giảm giá. Với tâm lý "mua ngay kẻo lỡ", nhiều người đã chi ra những khoản tiền phung phí không đáng vào dịp cận Tết.
Đợi dịp Tết cận kề để mua hàng giảm giá có thực sự tiết kiệm là câu hỏi khá nhiều người đắn đo. Hàng giảm giá là sản phẩm có giá trị cao tương đương chất lượng nhưng được người bán hàng bán với giá thấp hơn trong một số thời điểm nào đó. Hoặc những chương trình khuyến mãi có quà tặng kèm, mua một tặng hai khiến nhiều người sẵn sàng chi tiền kể cả không dùng đến.
Làm sao để không lãng phí bởi các chương tình giảm giá dịp Tết không dễ dàng (Ảnh: Hữu Nghị)
Chị Lê Quỳnh Chi (37 tuổi, Hà Nội) cũng như nhiều người phụ nữ khác, đau đầu mỗi dịp Tết đến: "Cám dỗ" từ các chương trình giảm giá sâu khiến mình nhiều lần "vung tay quá trán". Săn hàng giảm giá không lãng phí, chỉ lãng phí khi chúng ta không kiên định và không có kế hoạch rõ ràng. Năm vừa rồi dịch bệnh bùng phát,mình bị rơi vào thế bị động khiến bản thân phải suy nghĩ và xem lại cách tiêu xài".
Lên kế hoạch cụ thể trước khi mua sắm
Theo chị Chị, nếu không có kế hoạch bạn sẽ rơi vào tình trạng "nhìn gì cũng muốn mua". Khắp các cửa hàng đều sẽ có chương trình khuyến mãi kích thích thú vui mua sắm của bạn. Có những thứ bạn sẽ chẳng cần tới nhưng vẫn cứ lao vào mua chỉ vì cảm thấy bản thân sẽ hời khi mua những thứ đang được giảm giá kịch sàn.
Chỉ nên mua những thứ thiết yếu và cần có kế hoạch để tránh sa vào những hàng giảm giá (Ảnh: An Chi)
Nhưng sự thật không phải như vậy, có những món đồ bạn sẽ chẳng dùng đến. Mua sắm khi chưa có kế hoạch rõ ràng sẽ khiến mình thiếu thứ này, thừa thứ kia. Tốt hơn hết bạn nên phân chia rõ ràng các mục như đồ ăn, đồ lễ, trang trí nhà cửa, quà biếu,… Hoạch định rõ ràng từng mục sẽ mua những thứ gì, chi bao nhiêu cho mục đó. Và quan trọng là cần có kỷ luật bản thân để không mua gì thêm ngoài kế hoạch định sẵn.
Áp dụng mẹo "24 giờ vàng"
Một mẹo rất hay để không "dính bẫy" tiêu tiền phung phí mà chị Chi áp dụng đó là quy tắc "24 giờ vàng". Đôi khi chúng ta không tránh khỏi những cám dỗ khi bước chân đi mua sắm. Cảm thấy bị thu hút và muốn mua những thứ ngoài kế hoạch. Lúc đó hãy lập tức bật chế độ "tin tưởng bản thân" rằng mình đã có kế hoạch chi tiêu hoàn hảo và nếu phá vỡ những kế hoạch đó thì mọi thứ đều bằng không.
Khi muốn mua món đồ ngoài kế hoạch hãy dành 24 giờ để xem có thực sự cần hay không (Ảnh: Hữu Nghị)
Nếu cách này vẫn khiến bản thân bạn không thể kiềm chế hãy dành ra 24 giờ để suy nghĩ trước khi tậu món đồ đó về.Trong 24 giờ đó, hãy giải quyết các câu hỏi: Liệu rằng món đồ giảm giá kia mình có đang thực sự cần không? Sẽ dùng món đồ đó với mục đích gì? Cũng với khoản tiền chi ra như vậy mình có thể làm gì ý nghĩa hơn không?.... Sau khi giải quyết hết những câu hỏi đó bạn sẽ có quyết định đúng đắn.
Chỉ cầm một khoản tiền nhất định khi đi sắm Tết
Nhiều người dùng cách này để tránh mua những món hàng giảm giá không cần thiết. Chỉ mua những thứ đã có trong kế hoạch không lãng phí tiền bạc vào những món đồ giảm giá khác. Nếu chỉ mang theo đúng bằng đó số tiền cần chi, bạn sẽ không có cơ hội vung tiền cho những khoản nằm ngoài kế hoạch.
Chỉ mang số tiền nhất định khi đi sắm Tết sẽ khiến bạn bớt bị cám dỗ bởi hàng giảm giá. (Ảnh: Internet)
"Đôi khi bạn sẽ có ý định mua một chiếc áo đang giảm giá kịch sàn nhưng chưa chắc đã dùng đến. Việc không còn tiền để tiêu sẽ khiến bạn ngại bước vào cửa hàng và phải áp dụng quy tắc "24 giờ vàng" và có quyết định đúng đắn hơn sau khi trở về nhà", chị Chi bật mí.
Tết cổ truyền là dịp nhu cầu mua sắm tăng cao. Thế nhưng không có nghĩa đây là dịp chúng ta mua sắm thả ga, không kế hoạch. Hàng giảm giá sẽ có lợi cho những ai có kế hoạch chi tiêu rõ ràng và những thứ được sắm đem lại giá trị, lợi ích thực sự cho gia đình và bản thân. Nếu mua hàng giảm giá chỉ vì cảm thấy nó rẻ chắc chắn sẽ khiến bạn sớm hối hận khi nhìn lại những thứ đồ mình không hề dùng đến.
Ngọc Linh - Theo Dân Trí