Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động thương mại và dịch vụ đang dần phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I-2022 cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tính chung quý I-2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng về doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I-2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,1%; phương tiện đi lại tăng 5,4%; may mặc giảm 3,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 4,9%.
"Tuy nhiên, các nhóm ngành này tăng chủ yếu là do giá tăng khi giá nhiên liệu tăng cao", đại diện Tổng cục Thống kê nhận định. Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I-2022 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước cụ thể gồm: Quảng Ninh tăng 11,7%; Bình Dương tăng 10,8%; Hải Phòng tăng 9,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,7%; Cần Thơ tăng 7,5%; Hà Nội tăng 7,2%; Đà Nẵng tăng 3%; Khánh Hòa tăng 2,8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 1%.
Tính chung doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I-2022 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu của tỉnh Bắc Ninh tăng 24%; Cần Thơ tăng 18,3%; Phú Yên tăng 18,1%; Lâm Đồng tăng 17,4%; Đồng Nai tăng 16,2%; Quảng Ninh tăng 7,5%; Hà Nội tăng 1,1%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 5,6%, Tiền Giang giảm 26,9%; Bạc Liêu giảm 15,3%.
Do Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch nên doanh thu du lịch lữ hành quý I-2022 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu của tỉnh Khánh Hòa tăng 279,1%; Quảng Nam tăng 71,1%; Cần Thơ tăng 50,1%; Hà Giang tăng 17,6%; Hà Nội tăng 10,6%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 26,8%; Đà Nẵng giảm 51,1%.
Doanh thu các dịch vụ khác trong quý I-2022 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể mức tăng/giảm của một số địa phương như sau: Đồng Nai tăng 15,3%; Quảng Ninh tăng 13,5%; Cần Thơ tăng 9%; Khánh Hòa tăng 7,9%; Bình Dương tăng 6,8%; Hà Nội tăng 3,1%; Hải Phòng giảm 0,9%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 15,5%; Đà Nẵng giảm 17%.
Lam Giang - Hà Nội mới