‘Thờ ơ’ với cảnh báo không đảm bảo chất lượng, sản phẩm Nutrilatt 1 và 2 vẫn được bày bán?
Kinhte&Xahoi
Ngay sau khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo về hai sản phẩm sữa dinh dưỡng cho trẻ em Nutrilatt 1và 2 đang bán tại Việt Nam bị phát hiện hàm lượng trong thành phần thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn, những thông tin quảng cáo sản phẩm trước đó được rao bán tràn lan trên các website bán hàng online “bỗng dưng biến mất”?.
Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em Nutrilatt 1 và Nutrilatt 2.
Theo tìm hiểu, trên thị trường loại sản phẩm sữa dinh dưỡng cho trẻ em Nutrilatt 1và Nutrilatt 2 vẫn được bày bán công khai sau khi Cục An toàn thực phẩm đưa ra cảnh báo. Cụ thể, theo thông tin trên Báo Giao thông, tìm đến một địa chỉ được quảng cáo trên đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, PV ghi nhận tại đây có rất nhiều dòng sữa nhập khẩu. Sữa Nutrilatt 1 và Nutrilatt 2 cũng được xếp trên kệ...
Một nhân viên cho biết, đây là dòng sữa nhập khẩu nguyên hộp từ Singapore và có nguyên liệu từ New Zealand, giá bán khoảng 445.000 đồng/hộp 900gram.
Theo quảng cáo của cửa hàng này, sản phẩm Nutrilatt đạt chứng nhận HACCP, Halal, ISO, những chứng nhận về độ an toàn sản xuất, an toàn thực phẩm cũng như giá trị dinh dưỡng cao.
Kiểm tra một lượt bao bì sữa Nutrilatt 1 nhận thấy đây là sản phẩm có mã số lô 537 - 1 trong 6 lô sản xuất được Cục An toàn thực phẩm đưa ra cảnh báo không đảm bảo chất lượng.
Khác với thị trường được bày bán công khai, các trang kinh doanh online trước đó bày bán tràn lan sản phẩm sữa Nutrilatt 1 và Nutrilatt 2, thì tại thời điểm hiện tại mọi thông tin đều “bỗng dưng biến mất”. Ngay cả trang giới thiệu sản phẩm của đơn vị nhập khẩu cũng không truy cập được.
Website giới thiệu sản phẩm sữa trong tình trạng không thể truy cập.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện nay chưa có cơ sở khẳng định sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em Nutrilatt 1 và Nutrilatt 2 bán tại thị trường Việt Nam ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Tụ cho biết theo quy định, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, hàm lượng công bố trên nhãn sản phẩm và hàng hóa phải đạt thì mới được bán trên thị trường.
Những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn như đã công bố có thể có thể do nhiều nguyên nhân, như chất lượng bảo quản không đảm bảo, số trộn không đều, hoặc gặp sơ xuất trong quá trình vận chuyển... và sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em Nutrilatt 1 và Nutrilatt 2 cũng không ngoại lệ. Do đó, việc hàm lượng sắt và kẽm thấp hơn so với hàm lượng công bố trên nhãn sản phẩm có thể do yếu tố kỹ thuật.
Theo ông Tụ, hiện nay cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc xác minh, kiểm tra, do đó trước mắt người tiêu dùng tạm thời ngưng dùng sản phẩm đến khi có kết luận chính thức, tránh hoang mang.
Ngoài ra, ông Tụ cũng cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và thu hồi sản phẩm nếu phát hiện lưu hành ngoài thị trường.
Theo thạc sỹ Lưu Liên Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Viện Y học ứng dụng Việt Nam, sử dụng sữa kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn rất dễ nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum, từ 6 – 8 tiếng sẽ có biểu hiện biểu hiện mơ màng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, với trẻ nhỏ sẽ kèm theo khó bú, khó nuốt, khóc yếu.
Hệ tiêu hoá của trẻ còn yếu, nếu uống phải sữa kém chất lượng có thể sẽ bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, nôn mửa. Những tình trạng này nếu không xử lý đúng cách sẽ gây mất nước và chất điện giải, có thể dẫn đến biến chứng khác như nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não…
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có thông tin ban đầu về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em Nutrilatt 1 và Nutrilatt 2 bị phát hiện có hàm lượng sắt và kẽm thấp hơn quy định. Đây là 2 sản phẩm của Công ty TNHH MS Nutrition Pte (Singapore). Theo đó, 30 mẫu kiểm tra được lấy từ 06 lô (mã số 487, 488, 536, 537, 538, 539) của sản phẩm Nutrilatt 1 và Nutrilatt 2 tại Campuchia được kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng sắt và kẽm trong sản phẩm thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) và quy định của Việt Nam. Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản yêu cầu các Ban quản lý An toàn thực phẩm và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong cả nước rà soát thị trường; Nếu phát hiện các lô sản phẩm có liên quan thì tạm thời dừng lưu thông.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng không cho trẻ em sử dụng các sản phẩm có tên và số lô bị cảnh báo nêu trên; Đồng thời đề nghị thông báo ngay với cơ quan chức năng tại địa phương khi phát hiện sản phẩm cảnh báo xuất hiện trên thị trường.
PV - Theo Vietq.vn