Bộ Y tế lên tiếng Vừa qua, Nigeria phát báo động gấp khi có hàng trăm ngàn viên thuốc Trung Quốc làm từ bột thịt lưu hành tại nước này. Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh nan y giai đoạn cuối.
Các viên thuốc được buôn lậu trong va li qua đường vận chuyển thư quốc tế”. Đây không phải là lần đầu tiên các loại thuốc từ bào thai được bán ra thị trường.
Thuốc được cho là làm từ nhau thai, phát hiện tại Nigeria. Ảnh: Gistreel
Năm 2011, các quan chức Trung Quốc đã điều tra việc sản xuất các loại thuốc có thành phần tương tự. Hàng nghìn loại thuốc tương tự xuất xứ từ Trung Quốc đã bị tịch thu tại Hàn Quốc vào năm 2012.
Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria xác nhận có dược phẩm của Trung Quốc lưu hành trên thị trường Nigeria chứa thành phần như trên.
Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh giai đoạn cuối.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, chiều 9/11 khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc “làm từ thịt người” tại Việt Nam. Cục không đề cập cụ thể tên thuốc nào trong thông báo này.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Nếu phát hiện thuốc không rõ nguồn gốc, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý. Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phối hợp với các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên. Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục Quản lý Dược cho biết Việt Nam hiện cấm sản xuất, lưu hành thuốc làm từ nhau thai người. Cục Quản lý Dược năm 2015 đã ra công văn cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người.
Chuyên gia nói gì?
Phó giáo sư, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức cho biết cách đây khá lâu, Việt Nam có sử dụng thuốc bào chế từ nhau thai. Đó là thuốc bổ Filatov, bào chế theo phương pháp của một bác sĩ người Nga.
Theo đó, khi một tổ chức sống của động vật bị cắt rời khỏi cơ thể như nhau thai và được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ không thuận lợi cho sự sống sẽ tìm cách thích nghi với nghịch cảnh bằng cách tiết ra những kích thích tố gọi là biostimulin.
Biostimulin được đưa vào cơ thể người bằng cách uống hay tiêm, sẽ kích thích các phản ứng sinh học, thúc đẩy các quá trình chuyển hóa thuận lợi, làm tăng sự đề kháng, bồi dưỡng các chức năng sinh lý, chống lại sự xâm nhập của bệnh tật.
Thời đó nhiều bệnh viện phụ sản ở Việt Nam đã tận dụng nhau thai của phụ nữ mới sinh xong bào chế thành thuốc uống và thuốc tiêm Filatov. “Đến nay bản chất của các biostimulin vẫn chưa được biết đầy đủ và chế phẩm Filatov không còn sản xuất hay sử dụng nữa”, phó giáo sư Đức chia sẻ.
Hiện nay các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu như nhau thai người, gan thận súc vật... được thế giới khuyến cáo không sử dụng vì không có bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng một cách rõ ràng mà nguy cơ lây nhiễm bệnh lại rất lớn.
Chẳng hạn dùng cơ quan tạng phủ từ bò thì bị lây nhiễm bệnh bò điên, những viên thuốc chứa thịt người từ phôi thai, nhau thai mới báo cáo ở Nigeria chứa rất nhiều mầm bệnh, đặc biệt là siêu vi nhiều nhất là siêu vi gây viêm gan B. Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Y Dược học dân tộc TP HCM, cho biết tử hà sa (nhau thai người) là thuốc bổ dương, được sử dụng khi bệnh nhân bị dương hư.
Một số công ty trước đây cũng sản xuất những bài thuốc như hà sa đại tạo hoàn. Theo tiến sĩ Lan, nhau thai người cũng là một protein nên vấn đề sử dụng, bảo quản rất phức tạp, dễ hư hỏng. Tử hà sa khi dùng phải phơi, sấy, tán bột, không cho vào nồi thuốc sắc, sắc xong mới đổ bột này vào chén thuốc để uống sau.
Đặc biệt tử hà sa ẩn chứa nguy cơ bệnh lây nhiễm qua đường máu còn trong nhau thai như HIV, viêm gan siêu vi B, C... nếu không được kiểm tra, chế biến trong điều kiện vô trùng nên y học cổ truyền không còn sử dụng.
Tử hà sa không phải là vị thuốc tuyệt đối không thể thay thế, tùy công dụng có thể thay thế bằng những vị thuốc khác như thuốc bổ dương nhục thung dung, hoàng tinh, thuốc bổ huyết thục địa, đương quy...
“Năm 2012 tôi sang Trung Quốc học, thấy hình ảnh nhau thai được bày phơi suốt con đường dài, rất khó đảm bảo vệ sinh nên từ đó tôi không bao giờ dám dùng cho bệnh nhân”, bác sĩ Lan chia sẻ. Thị trường Việt Nam hiện vẫn có tử hà sa nhập lậu từ Trung Quốc, được quảng cáo uống trị bệnh, làm đẹp.
Theo bác sĩ Lan, nhiều người cho rằng trong nhau thai có tế bào gốc, công dụng làm đẹp. Tuy nhiên quá trình chế biến rất khó đảm bảo loại trừ được các mầm bệnh.
Muốn dưỡng da, làm đẹp cần phải có tư vấn của các bác sĩ, chú ý đến tổng trạng sức khoẻ, chẳng hạn người thiếu máu sẽ sử dụng các loại thuốc bổ huyết, dưỡng nhan. Việc bồi bổ hợp lý, đúng cách sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, từ đó da sẽ căng, tóc khỏe, sắc mặt hồng hào.
Tử hà sa được cho là có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường hoạt động tình dục nên nhiều người tìm mua ở các chợ dược liệu, tiệm thuốc đông y. Các bác sĩ khuyến cáo tìm mua nhau thai để cải thiện tình trạng này là hoàn toàn sai lầm.
Thầy thuốc nhân dân, BS cao cấp Trần Văn Bản - Chủ tịch Hội đông Y Việt Nam cho biết: “Nhau thai cũng chỉ là một vị thuốc thôi chứ không phải là thịt người, nếu nói thuốc từ nhau thai là thuốc làm từ thịt người là không chính xác.
Cần phải rõ ràng tránh làm dư luận hoang mang”. Đặc biệt theo Chủ tịch Hội đông y Việt Nam từ trước đến giờ cả Tây y và Đông y đều sử dụng nhau thai làm nguyên liệu, thành phần của thuốc và bài thuốc.
Ở Tây y trước đây nhau thai được sử dụng để sản xuất Philatop nhưng do nguồn không đáp ứng được nên sau này các nhà khoa học đã dùng phủ tạng động vật cụ thể là dùng gan để sản xuất philatop. “Còn Đông y nhau thai được sử dụng trong bài thuốc Hà sa đại tẩu hoàn - bài thuốc rất bổ khí huyết, dùng cho những người bị suy nhược cơ thể”, BS Bản nêu.
Theo Chủ tịch Hội đông y Việt Nam, vấn đề sử dụng các vị thuốc từ cơ thể con người là vấn đề mà nhiều quốc gia có quan điểm khác nhau. Bản thân ông cũng đã tranh luận hơn 10 năm trước tại Hàn Quốc. Ông cho biết thêm, ngày xưa, cứ sau khi đẻ cắt lại một đoạn dây rốn để treo cho khô đi bảo rằng cho trẻ khỏi giật mình…
Nhưng đó không phải là mục đích chính mà người ta giữ lại một tý dây rốn để không may người đó mắc bệnh hiểm nghèo thì sau này người ta lấy cái đoạn dây rốn ấy ra làm bài thuốc cho chính người đó dùng.
Tuy nhiên không phải thầy thuốc nào cũng biết việc này và có bài thuốc đó. Đây chính là tiền thân của phương pháp tế bào gốc được lấy từ cuống rốn và nhau thai. Và đây là một vấn đề mở ra tiến bộ khoa học cực kỳ lớn.
“Nhưng dưới góc độ khoa học thì làm tế bào gốc rất tốt. Lợi ích đầu tiên có thể thấy là tế bào gốc sản sinh ra nhiều tế bào mới khác thay thế tế bào hỏng của các cơ quan tổ chức trong cơ thể con người”- ông Bản nói. “Bài thuốc hà sa đại tẩu hoàn là tiền thân việc nghiên cứu dây rốn (tế bào gốc) của Hàn Quốc, Nhật Bản”, BS Trần Văn Bản tiết lộ.
Tử hà sa bán trên thị trường không có nguồn gốc rõ ràng có nguy cơ rất lớn là mang mầm bệnh. Bởi vì, nhau thai nằm trong một cơ thể sống, mà bất cứ cơ thể sống nào là người cũng có thể nhiễm các bệnh truyền nhiễm do siêu vi, vi khuẩn, ký sinh trùng…
Nếu nhau thai không được kiểm tra, chế biến trong điều kiện vô trùng đều có nguy cơ chứa mầm bệnh trong chính nhau thai. Việc dùng nhau thai người, vì vậy, rất nguy hiểm vì có thể bị lây nhiễm các bệnh gây khủng hoảng toàn cầu như HIV, viêm gan b và C...
Theo quy định của Bộ Y tế, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy.
Theo một số thầy thuốc Đông y, có khi nhu cầu sử dụng tử hà sa của thầy thuốc Đông y là có thật, tuy nhiên, họ không dám dùng vì bệnh viêm gan siêu vi và HIV ngày càng tăng, mà chế phẩm bán trôi nổi hiện nay lại không rõ nguồn gốc, không đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài bị các bệnh truyền nhiễm do mầm bệnh chứa trong nhau thai, người dùng tử hà sa còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh khác do vấn đề bảo quản (nhau thai là môi trường rất tốt phát triển các mầm bệnh lây qua đường tiêu hóa) như tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng…
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng nhau thai. Vì vậy, việc mua bán nhau thai cần xem là không hợp pháp.
Người tiêu dùng cần nhận thức rằng, dùng nhau thai làm thuốc như điều kiện hiện nay là không an toàn, tìm cách dùng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Thực chất nhau thai không có công dụng như lời đồn và hiện nay đã có nhiều thuốc thay thế cho tác dụng hiệu quả và an toàn hơn nhiều.
|
Theo Phapluatplus