Giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Công Thương, lý do thứ nhất là cầu lớn hơn cung sau khi lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi và nhiều hộ chăn nuôi lớn chưa thể tái đàn. Thứ hai, không rõ vì sao các doanh nghiệp (DN) “ngại” nhập lợn, dẫn chứng là Chính phủ giao nhập 100 ngàn tấn thịt lợn, nhưng hiện con số này mới đạt 45 ngàn tấn, dù cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thông thoáng hết cỡ trong nhập khẩu, thủ tục hải quan.
Một nguyên nhân thứ ba, lần đầu cơ quan chức năng “chỉ mặt đặt tên”: “Hiện có gần 20 DN trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, có thị phần lớn, chiếm 35%, có ảnh hưởng lớn, ví dụ DN CP của Thái Lan lớn nhất chiếm gần 20% thị phần lợn toàn quốc (19,1%)… Vừa qua, họ có khai báo giá thành lợn xuất (lợn hơi) giảm 45 -50 ngàn đồng/kg, nhưng giá đến tay người dân thực tế vẫn là 80-90 ngàn đồng/kg. Khi lãnh đạo Chính phủ có ý kiến, họ có cam kết hạ xuống 70 ngàn đồng. Nhưng thực tế, tiểu thương, thương lái mua được giá 70 ngàn đồng/kg rất khó khăn”.
Vậy là sau những nguyên nhân vai trò “có cũng như không” của một số cơ quan chức năng, sự ăn chênh của các tiểu thương trung gian, lại thêm lý do từ những DN có dấu hiệu khống chế lũng đoạn thị trường, khiến giá thịt lợn cứ ngày càng leo thang ngất ngưởng. Dư luận đang chờ những gian thương sẽ bị xử lý ra sao.
Những DN lợi dụng tình thế để “đút đầy túi tham” cũng đã quên rằng người tiêu dùng còn một quyền rất lớn tự thân: Quyền tẩy chay, quyền ác cảm với những DN bất lương. Khi mà giá một ký thịt lợn bằng 20 lít xăng, bất kỳ một người vô tâm nào nhất mỗi khi gắp một miếng thịt cũng phải thốt lên ức chế: Có chuyện nào vô lý hơn chuyện này?
Không có thịt lợn, vẫn còn vô vàn sự lựa chọn khác thay thế. Dịch tả lợn châu Phi rồi phải đi qua, thịt lợn chắc chắn lại ê hề, nhưng nỗi ức chế này, bất kỳ người tiêu dùng nào cũng sẽ không dễ quên.