Chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón khách
Căn cứ vào cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ ngày 15/2, một loạt di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố đã chính thức mở cửa trở lại, sau thời gian dài tạm dừng đón tiếp khách tham quan để phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch.
Bên cạnh việc duy trì các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản, công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được tăng cường, nhằm mục tiêu thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với dịch COVID.
Tại Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban quản lý Khu Di tích cho biết, đơn vị chính thức đón khách tham quan từ 8 giờ sáng 15/2. Điểm nhấn của trong chương trình khai Xuân Nhâm Dần năm nay là tour "Đêm thiêng liêng 2" đầu tiên của năm. Đáng nói, ngay buổi sáng đầu tiên mở cửa đón khách trở lại, toàn bộ suất tham dự tour đêm trong tuần đã được đặt hết, cho thấy sự đón nhận tích cực của công chúng và du khách.
Du khách quét mã QR trước khi vào tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Trước đó, việc mở cửa, đón khách tham quan được thuận lợi, an toàn, Ban quản lý Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện phòng, chống dịch. Các khu vực đón tiếp, nhà trưng bày, các điểm tham quan… được tổng vệ sinh, khử khuẩn và tổ chức phân luồng giãn cách, bảo đảm môi trường sạch, đẹp, an toàn.
Tương tự, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Đống Đa, Hà Nội), trước ngày mở cửa đón khách tham quan Trung tâm đã rốt ráo chuẩn bị các điều kiện, như quét dọn khuôn viên di tích, trang bị máy đo thân nhiệt, máy sát khuẩn tự động, niêm yết mã QR cũng như bố trí bàn khai báo y tế phục vụ người dân và du khách.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bảng khuyến cáo tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế được gắn đặt tại nhiều địa điểm dễ thấy, đồng thời lực lượng an ninh thường xuyên nhắc nhở người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch. Trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại, di tích đã đón trên 700 lượt khách tham quan.
Đối với Di tích - danh thắng Hương Sơn (chùa Hương, Mỹ Đức) đã chính thức mở cửa trở lại, phục vụ Nhân dân vãng cảnh, lễ Phật. Trong tiết mưa phùn, giá lạnh đầu Xuân, từng đoàn người đổ về di tích với tâm trạng hoan hỉ. Công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được chú trọng tại đây với nhiều biện pháp hữu hiệu, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Pano tuyên truyền phòng dịch được đặt tại nhiều nơi trong không gian chùa Hương
Thông tin về công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hương Sơn cho biết: Ban Tổ chức đã bố trí 8 chốt kiểm soát dịch ở các lối ra, vào khu di tích và 3 lều y tế lưu động để xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh, như: Cách ly, lấy mẫu xét nghiệm…, giúp chủ động trong dập dịch và không để dịch lây lan diện rộng.
“Công tác vệ sinh môi trường, quy hoạch hàng quán, dịch vụ cũng được tổ chức chặt chẽ… bảo đảm tốt nhất yêu cầu văn minh nơi thờ tự cũng như ngăn ngừa dịch bệnh. Công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm sẽ được duy trì suốt thời gian di tích mở cửa, không để xảy ra các hiện tượng lơ là, chủ quan với công tác phòng dịch”, ông Nguyễn Bá Hiển thông tin.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón khách nội địa và quốc tế
Để việc mở cửa, đón khách tham quan tại các di tích được thuận lợi, an toàn, trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản gửi các địa phương trên địa bàn thành phố, đề nghị tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong các hoạt động tại di tích, danh lam, thắng cảnh. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, việc mở cửa di tích phải căn cứ vào cấp độ dịch, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả.
“Các điểm di tích lịch sử - văn hóa cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phòng, chống dịch; Có phương án quản lý người ra, vào và khai báo y tế theo quy định; Bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng không để tập trung đông người. Đặc biệt, hoạt động lễ hội vẫn tạm dừng, chỉ thực hiện các nghi thức với quy mô nhỏ, hạn chế tập trung đông người”, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Du khách quét mã QR trước khi vào tham quan chùa Hương
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, việc mở cửa đón khách du lịch là một trong những giải pháp nhằm phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Đối với du lịch nội địa, Hà Nội đã cho phép mở một số dịch vụ và điểm di tích.
"Tới đây, các điểm du lịch trên địa bàn thành phố sẽ được mở đồng loạt để đón khách. Việc cần làm lúc này là các đơn vị, doanh nghiệp phải chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch để sẵn sàng đón khách, trước mắt là khách nội địa, tiến tới đón khách quốc tế; yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để kiểm soát tốt dịch bệnh. Để khôi phục hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, du khách, Sở tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty, cơ sở hoạt động du lịch", bà Đặng Hương Giang nói.
Theo Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái, việc phòng, chống dịch luôn là nhiệm vụ hàng đầu vì điểm đến có an toàn thì khách mới yên tâm du lịch. Hiện tại, thành phố Hà Nội đã có chủ trương mở cửa để phục hồi du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng sản phẩm phù hợp, đặc trưng của Hà Nội cũng như xúc tiến việc đưa - đón khách an toàn.
Về phía địa phương, theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, để thực hiện tốt Kế hoạch số 43/KH-UBND của UBND thành phố, quận tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo các quy định của ngành du lịch và y tế.
Quận cũng tập trung chỉ đạo đa dạng các sản phẩm du lịch nhưng chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, trong đó sẽ đẩy mạnh các hoạt động du lịch mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với lối trình diễn sinh động, kết nối thành câu chuyện hình thành, phát triển của Hà Nội.
Để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, cần phải có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn. Hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay, đồng lòng của các địa phương và người dân để đẩy lùi dịch COVID-19. Chỉ khi khống chế được dịch bệnh thì người dân mới được an toàn, được hưởng một lễ hội đúng nghĩa và đất nước mới ổn định, phát triển.
Thanh Hà - TTTĐ