Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề và Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội năm 2022 do Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cùng UBND huyện Hoài Đức phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại Khu đô thị Splendora (Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Hội chợ sẽ giới thiệu các sản phẩm giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Thành phố và 100 gian hàng giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của các chủ thể huyện Hoài Đức và một số quận, huyện, thị xã và của một số tỉnh bạn.
Từ ngày 7 đến ngày 10/3 sẽ diễn ra Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề trên địa bàn Hà Nội.
Điểm nhấn của Hội chợ là khu trưng bày, giới thiệu hàng trăm tác phẩm hoa cây cảnh, sinh vật cảnh độc đáo đến từ nhiều tỉnh thành phố trong cả nước. Biểu trưng của Hội chợ là tác phẩm “Đặc sản xứ Đoài thăng hoa phát triển” được kết tinh từ các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP do các nghệ nhân Xứ Đoài thực hiện.
Cùng với đó là Triển lãm Sinh vật cảnh Thủ đô năm 2022 với chủ đề Hương Sắc Việt Nam, từ ngày 7 - 17/3/2022, trên quy mô trên 5000m2 nhằm tăng cường giao lưu liên kết giữa các chủ nhà vườn, giới thiệu những thế mạnh tiềm năng của ngành nghề Sinh vật cảnh thủ đô và nhiều tỉnh/thành trong cả nước.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện tại Hội chợ sẽ diễn ra Hội thảo ứng dụng công nghệ chuyển đổi số nông nghiệp, quản trị số doanh nghiệp hợp tác xã phục vụ canh tác nông nghiệp thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Thành phố Hà Nội vào ngày 8/3/2022 và các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc trưng xứ Đoài được diễn trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, Hội chợ nhằm mục đích ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; Quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, thực phẩm, an toàn dịch bệnh.
Hội chợ là cơ hội giúp các chủ thể, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại
Bên cạnh đó, hội chợ cũng giúp các chủ thể tiếp cận với công nghệ tiên tiến và xu thế thời đại để từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản. Trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để kết nối các hộ nông dân nhỏ, hợp tác xã với chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, Hội chợ là cơ hội giúp các chủ thể, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, bán hàng online, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm...
"Đặc biệt, Hội chợ góp phần khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp bị đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch qua hơn 2 năm qua, đồng thời, tăng cường kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bền vững trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi chương trình nông thôn mới gắn với đô thị tại Thành phố Hà Nội.
Hội chợ cũng là cơ hội tốt cho người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm an toàn, chất lượng. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để tăng cường liên kết “5 Nhà” nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn", ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Thanh Tùng - TTTĐ