Ngăn ngừa “ma men” cầm lái
Mặc dù, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, song tai nạn giao thông do “ma men” cầm lái vẫn xảy ra.
Dạo một vòng quanh các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, tình trạng người dân điều khiển xe máy, ô tô sau khi sử dụng rượu bia vẫn diễn ra thường xuyên, bất chấp quy định của pháp luật và sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng.
Mới đây, Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 4 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) đã lập 6 biên bản đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn tại ngã tư phố Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ. Các lái xe cho biết, có uống từ 2 cốc bia hơi trở lên...
Mặc dù, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, song tai nạn giao thông do “ma men” cầm lái vẫn xảy ra
Thiếu tá Phạm Minh Quân, Tổ trưởng Tổ xử lý nồng độ cồn, Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) thông tin, trên địa bàn quận Hoàng Mai, tổ công tác đã ghi nhận nhiều trường hợp người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định.
Thiếu tá Vũ Đức Thịnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 4 cho biết, để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn giao thông khi sử dụng rượu, bia mà vẫn lái xe, mức vi phạm nồng độ cồn vượt 0,400 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng và tạm giữ xe đến 7 ngày.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), thực hiện đợt ra quân xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn từ ngày 20/6 đến nay, toàn thành phố Hà Nội có 553 trường hợp người điều khiển xe máy và ô tô bị lập biên bản vi phạm nồng độ cồn.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Cơ động Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp kiểm tra, xử lý 146.170 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ - đường sắt - đường thủy, phạt trên 83,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, toàn lực lượng Cảnh sát Giao thông Thủ đô đã xử lý 2.877 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; 1.694 trường hợp điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; 33.840 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm; 588 trường hợp phương tiện chở quá khổ quá tải; 3.431 trường hợp vi phạm bị phát hiện qua hệ thống camera giám sát…
Kết hợp tuyên truyền và xử lý nghiêm các vi phạm
Để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cần được thực hiện nghiêm hơn nữa. Các chủ nhà hàng, quán bia, dịch vụ giải trí cần có ý thức trách nhiệm, nhắc nhở khách hàng không lái xe khi đã uống rượu, bia...
Còn đối với lực lượng chức năng nắm địa bàn đều cam kết sẽ huy động các lực lượng như công an, dân phòng, bảo vệ dân phố sẽ đến tận nơi đề nghị các cửa hàng ăn uống, quán bia trên địa bàn quản lý để nhắc nhở khách hàng nếu đã sử dụng rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông. Sự phối hợp của các chủ quán bia, nhà hàng sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông, ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc.
Về vấn đề này, nhiều chủ nhà hàng, quán bia, quán karaoke… cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, không lái xe sau khi đã uống rượu, bia, song hiện có một số khó khăn.
Thời gian tới, các tổ chuyên đề, các đội cảnh sát giao thông địa bàn thành phố Hà Nội sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín các khung giờ, xử lý các trường hợp vi phạm
Chị Nguyễn Thu Hằng (quản lý một quán bia trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Khi thấy khách hàng có dấu hiệu say, chúng tôi đã cho nhân viên ra hỗ trợ, gọi xe hoặc đưa khách về tận nhà. Tuy nhiên, nhiều khách hàng không nhận mình say nên nhất quyết không nhận hỗ trợ. Hơn nữa, với quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” đồng nghĩa với việc khách hàng phải để phương tiện ở quán trước khi ra về, trong khi quán không có đủ khả năng lưu giữ phương tiện của khách".
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) khẳng định, từ nay đến hết năm 2022, các tổ chuyên đề, các đội cảnh sát giao thông địa bàn sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín các khung giờ, xử lý các trường hợp vi phạm không có vùng cấm nhằm mục tiêu kiềm chế, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Cùng với việc xử lý vi phạm trực tiếp, Công an thành phố Hà Nội sẽ tuyên truyền, vận động chủ các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar… nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật Giao thông đường bộ, bố trí phương tiện đưa khách hàng về sau khi sử dụng rượu, bia và tổ chức trông giữ phương tiện của khách.
Các mức xử phạt lái xe sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông
Pháp luật hiện hành quy định chủ yếu phạt hành chính với các lái xe sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông, còn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.
Theo Khoản 8, Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Việc điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đến 8 triệu đồng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định trên sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng. Nếu người điều khiển gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm a khoản 6 Điều 7). Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 1 tháng.
Nếu người điều khiển gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 2 tháng.
Đối với lái tàu, phụ lái tàu khi lên ban mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở |
Thanh Hà - TTTĐ