Theo nội dung Công văn số 504-CV/TU, trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước và TP Hà Nội, tình hình cháy nổ diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt là vụ cháy xảy ra vào khoảng 21 giờ ngày 6/9/2022 tại quán karaoke ở phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ" gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ.
Trước tình hình trên, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy, nổ và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, hậu quả xảy ra đối với những vụ cháy, nổ có thể xảy ra trên địa bàn, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ.
Cụ thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhất là sản xuất, kinh doanh có điều kiện, kiến thức, kỹ năng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân làm tốt việc phòng ngừa cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác PCCC, CNCH, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ" gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ.
Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng, kỹ thuật bảo đảm đúng quy chuẩn quy trình an toàn về PCCC và CNCH. Trong đó ưu tiên trang bị, ứng dụng công nghệ cảnh báo khói, báo cháy, thoát nạn, thoát hiểm tại nhà dân, những cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy nếu để xảy ra cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng cho người và tài sản trên địa bàn, phạm vi quản lý.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 31/1/-2018 của Thành ủy Hà Nội về việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn TP Hà Nội và các văn bản quan trọng khác của T.Ư, Thành ủy, HĐND, UBND TP có liên quan.
Bên cạnh đó, theo công văn trên, Ban Cán sự đảng UBND TP có trách nhiệm chỉ đạo UBND TP lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an TP trong công tác tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá lại điều kiện, tiêu chuẩn, khả năng PCCC đối với toàn bộ các lĩnh vực, cơ sở kinh doanh trên địa bàn; kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý, chủ hộ sản xuất, kinh doanh khắc phục các tồn tại về PCCC và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định hiện hành.
Công an TP tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những vi phạm tại các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP Hà Nội. Tổ chức tuyên truyền, làm tốt công tác hướng dẫn, tập huấn cho Nhân dân về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi có những tình huống phức tạp. Nhất là những cơ sở trọng điểm, công trình đặc thù, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh có điều kiện khi có cháy nổ xảy ra. Sẵn sàng, chủ động xử lý các tình huống cháy nổ, tai nạn, thảm họa xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác PCCC và CNCH.
Ban Nội chính Thành ủy chủ trì, phối hợp với Công an TP, các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy đôn đốc, theo dõi, tổng hợp việc thực hiện của các đơn vị và báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy. Các cơ quan, đơn vị thông tin, báo cáo kịp thời Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy khi có sự cố xảy ra theo quy định.
Trần Long - KTĐT