Nhiều hạng mục kiên cố được lắp dựng.
“Đại công trường” sai phạm!
Theo phản ánh của người dân xã Đoàn Xá, những ngày gần đây, khu vực đường đê chạy dọc nhánh sông Văn Úc đoạn từ cống Cổ Tiểu xuống xứ đồng quốc doanh nhộn nhịp, tấp nập tàu chở đất tập kết và máy xúc hoạt động. Khu vực này vốn có nguồn gốc là đất nuôi trồng thủy sản. Trong đó, một số hộ dân được chính quyền địa phương cho thuê đất chủ yếu để nuôi tôm cá, phát triển kinh tế.
Máy xúc tiến hành xúc đất đá lên để phục vụ hoạt động san lấp.
Ghi nhận của PV Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) vào ngày 12/3 cho thấy, hoạt động san lấp được tiến hành rầm rộ. Không chỉ vậy, 3 tàu chở đầy đất đá sẵn sàng tập kết trên nhánh sông Văn Úc. Ngay trên hành lang bảo vệ cống Cổ Tiểu có chiều rộng 50m, máy xúc hiệu Komatsu tiến hành xúc đất đá từ dưới tàu lên bờ để phục vụ hoạt động san lấp. Ngay cạnh đó, hàng chục công nhân đang tiến hành lắp dựng với hàng loạt hạng mục kiên cố bằng sắt thép. Người dân địa phương cho biết, nếu nhanh chóng, chỉ trong vài ngày tới, một trạm trộn bê tông sẽ hoàn chỉnh. Trên nhánh sông Văn Úc đã bị đóng cọc, 2 mố cầu lấn sông với diện tích vài chục mét vuông cũng nhanh chóng được hoàn thiện.
Liên quan đến việc xây dựng mố cầu, qua tìm hiểu được biết, ngày 22/2/2021, anh Phạm Ngọc Tuyên (SN 1987, trú tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) có đơn gửi Trạm khai thác công trình thủy lợi Cổ Tiểu, Công ty TNHH MTV khai thác công trình Thủy lợi Đa Độ (đơn vị quản lý cống Cổ Tiểu – PV). Trong đơn, anh Tuyên trình bày là đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu cho Công ty CP Tập đoàn Việt Úc (trụ sở tại huyện Thủy Nguyên) chuyên thi công các công trình tại khu vực huyện Kiến Thụy như đường 354, công trình nông thôn mới…
Đơn có đoạn: ‘Hiện nay khu vực cống Cổ Tiểu, trên vị trí giáp ranh với hành lang thuộc quản lý Công ty TNHH MTV khai thác công trình Thủy lợi Đa Độ và bãi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty CP Tập đoàn Việt Úc có một mố cầu tạm, do lâu ngày không sử dụng nên đã xuống cấp”. Do đó, anh Tuyên làm đơn xin phép được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và sử dụng mố cầu để phục vụ hoạt động cung cấp vật liệu. Lá đơn trên được ông Nguyễn Văn Chọn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác công trình Thủy lợi Đa Độ đã “bút phê” với nội dung: “Đồng ý để ông Tuyên tham gia sửa chữa mố cầu, kê bờ kênh bảo vệ công trình thủy lợi và tận dụng cung cấp vật liệu. Giao trạm Cổ Tiểu theo dõi”.
Dù có “bút phê” trên, tuy nhiên, nhận thấy việc xây dựng, sửa chữa mố cầu là vi phạm Luật Thủy lợi năm 2017, ngày 8/3, UBND xã Đoàn Xá và Trạm trưởng trạm Cổ Tiểu đã lập biên bản kiểm tra hiện trường về vi phạm công trình thủy lợi kênh trước cống Cổ Tiểu 3.
Bờ kênh bị đóng cọc, hoạt động san lấp, dựng mố cầu nhanh chóng hoàn thiện
Ngày 11/3/2021, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (thuộc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng) tiếp tục có biên bản làm việc về hoạt động thi công xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh trước cống Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy. Các ngành chức năng xác định ông Tuyên đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng; đổ bê tông tường chắn dầy 60cm với chiều dài từ đỉnh mái ngoài bờ kênh ra lòng sông 5,5m; chiều dài 8,5m theo dòng chảy. Hoạt động xây dựng nói trên được triển khai khi chưa được lực lượng chức năng cấp phép.
Ngày 12/3, UBND xã Đoàn Xá tiếp tục ban hành thông báo yêu cầu ông Phạm Ngọc Tuyên dừng thi công công trình, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả gồm tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng bằng hành lang công trình thủy lợi kênh trước cống Cổ Tiểu. Trên giấy tờ là vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thi công không có dấu hiệu bị đình chỉ.
Vừa san lấp vừa thi công xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản
“Làm ngơ” cho sai phạm?
Trao đổi với PLVN, ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá cho hay việc tập kết nguyên vật liệu xây dựng tại khu vực cống Cổ Tiểu đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, các hoạt động xây dựng mố cầu, thi công xây dựng thì mới triển khai trong thời gian gần đây.
Một số hộ dân được UBND huyện Kiến Thụy cho thuê đất nông nghiệp đã buôn bán, kinh doanh vật liệu, không đúng với mục đích nuôi trồng thủy sản được cho phép ban đầu. Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực hành lang cống Cổ Tiểu có 3 hộ gia đình được UBND huyện Kiến Thụy đồng ý cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản gồm: ông Vũ Văn Vương, ông Phạm Văn Long và ông Lê Văn Tiến (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Việt Úc). Trong đó, ông Vương và ông Tiến không có hộ khẩu thường trú tại địa phương.
Máy xúc tiến hành xúc đất đá từ dưới tàu lên để phục vụ san lấp.
Hoạt động xây dựng, thi công mố cầu, san lấp mặt bằng là những vi phạm “lộ thiên” khiến hành lang bảo vệ cống Cổ Tiểu bị phá nát. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có hoạt động xây dựng mố cầu được cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
P. Thanh – M. Toàn