Quang cảnh cuộc họp
Chiều 31/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh
Báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Trong tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30/10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021. Số ca mắc năm 2022 tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511). Tuýp vi rút Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2, DENV4.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue trên bình diện chung cả nước số ca mắc đang tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Số ca mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố miền Nam. Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.
Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố hiện đang được kiểm soát tốt, toàn Hà Nội đã bước sang trạng thái bình thường mới. Từ ngày 21-27/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 590 ca, trong đó 1 ca tử vong (tại huyện Đông Anh). Số ca mắc giảm 31% so với tuần trước (855 ca mắc), trung bình 84 ca/ngày. Bệnh nhân ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã (quận Ba Đình, huyện Phú Xuyên và Mỹ Đức không ghi nhận ca bệnh). Một số quận, huyện ghi nhận số mắc cao như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thạch Thất. Hiện nay, tại Hà Nội lưu hành chủ yếu của biến chủng Omicron. Về bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 17 trường hợp, số mắc giảm so với tuần trước (23 ca). Lũy tích năm 2022 ghi nhận 1.561 trường hợp, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021.
Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong thời gian tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp bệnh nhưng ít nguy cơ gây dịch lớn. Đối với các dịch bệnh khác, trong tuần không ghi nhận số mắc bất thường, tương đương hoặc giảm nhiều so với cùng kỳ.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương báo cáo tại cuộc họp
Tại cuộc họp, các quận, huyện và Sở, ngành đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua. Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở đã kịp thời cập nhật văn bản hướng dẫn, linh hoạt áp dụng với tình hình thực tiễn của từng trường từ tuyên truyền đến từng giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, Sở thường xuyên phối hợp với Sở Y tế kiểm tra các công trình xây dựng, nhắc nhở chủ đầu tư và đơn vị thi công, công nhân đảm bảo an toàn phòng dịch.
Trong công tác tuyên truyền, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, Sở đã ban hành các văn bản đề nghị các cơ quan báo chí và các quận, huyện, thị xã tuyên truyền về các nội dung của phòng chống dịch, đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin và các nội dung của Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 30/9/2022 của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố Hà Nội,… Đáng chú ý, hệ thống truyền thanh cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó từ ngày 19 đến 26/10 đã có 10.107 buổi phát thanh trên hệ thống truyền thanh cơ sở về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống sốt xuất huyết. Hệ thống báo chí của Hà Nội, báo chí Trung ương phối hợp với thành phố cũng tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân hiểu, nắm rõ các biện pháp phòng dịch.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà báo cáo tại cuộc họp
Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, thành phố đã có dự báo từ sớm, từ xa về dịch sốt xuất huyết, từ đó có những chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng Nhân dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm, điều này rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh. Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các địa phương căn cứ thực tế địa bàn để có phương án phòng, chống dịch phù hợp, đặc biệt lưu ý tại các cơ sở chăn nuôi, công trình xây dựng, nhà hàng,… Đối với những ổ dịch đang kéo dài, cần xác định rõ quy mô, áp dụng các biện pháp quyết liệt như tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành… để giải quyết dứt điểm.
Nêu kinh nghiệm từ phòng, chống dịch COVID-19, sự vào cuộc tích cực của các địa phương tới cơ sở đã giúp thành phố phòng chống dịch hiệu quả, do đó Giám đốc Sở Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị cũng vào cuộc phòng, chống dịch sốt xuất huyết tương tự như phòng chống COVID-19. Với các trường học cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, truyền thông mạnh mẽ để giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng vào cuộc phòng, chống dịch trong trường học.
Không làm hình thức mà phải thực chất
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, báo cáo của các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã nêu cụ thể về tình hình dịch bệnh, trong đó đáng lưu ý là dịch sốt xuất huyết, thành phố Hà Nội đã chủ động phòng, chống dịch nói chung, đồng thời chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch sốt xuất huyết với nhiều văn bản đã được UBND thành phố ban hành, chỉ đạo kịp thời ngành Y tế và các cấp, các ngành triển khai.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận cuộc họp
Với bệnh sốt xuất huyết, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về phòng, chống dịch trên địa bàn. Các đơn vị tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, đúng địa chỉ, toàn diện, không chỉ trong khu vực dân cư mà toàn bộ địa bàn, kể cả các khu vực có nguy cơ cao,… với sự huy động toàn thể các ban ngành đoàn thể và Nhân dân cùng tham gia. Thành phố sẽ đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch qua kết quả người bệnh và kết quả phòng dịch của các địa phương.
Căn cứ kế hoạch chung của thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hoá chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tính tiết kiệm. Đồng thời, các địa phương tiếp tục duy trì và kiện toàn thường xuyên tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tới từng người dân, từng gia đình về phòng, chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Y tế với vai trò là cơ quan thường trực phải thường xuyên tổ chức giao ban chuyên môn với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, giám sát chặt chẽ tình hình, tham mưu kịp thời với thành phố, tham mưu sớm Chỉ thị của thành phố tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Sở Y tế tiếp tục tập huấn công tác điều trị, tổ chức tốt khám chữa bệnh, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.
Đồng chí Chử Xuân Dũng giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị, đặc biệt là Sở Y tế và các cơ quan truyền thông triển khai tuyên truyền, chú trọng công tác phòng, chống, điều trị. Các Sở, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch, công điện phải triển khai nghiêm túc, không chủ quan, lơ là.
Đối với dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, thành phố, trong đó đẩy mạnh tiêm phòng, công khai số liệu tới người dân; Tiếp tục chuẩn bị thuốc, trang thiết bị cho phòng, chống dịch.
Với phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu phải tăng cường giám sát từ sân bay Nội Bài đối với người nhập cảnh, người từ nước ngoài về, phải tiến hành thực chất, giám sát từ sớm. Với các dịch bệnh khác, các địa phương tiếp tục lưu ý, đảm bảo không chủ quan với mỗi loại dịch bệnh.
Lam Dương - TTTĐ