Các y bác sĩ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19
Hoảng loạn trong dịch bệnh đưa lại những hệ lụy khôn lường
Thế giới từng trải qua những trận đại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch hạch, dịch sởi, dịch cúm Tây Ban Nha… trước đây và các trận dịch mới đây như SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp), cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, Ebola, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV, Zika) thời gian gần đây. Khi những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới bùng phát thường gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng, thậm chí hoảng loạn trong xã hội và người dân do chưa hiểu biết nhiều về dịch bệnh.
Chỉ trong thời gian hơn 2 tháng qua kể từ khi bùng phát mạnh tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã lây lan nhanh chóng ra tất cả các châu lục của thế giới với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, quốc gia tâm dịch Trung Quốc đã phải phong tỏa nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cả thành phố Vũ Hán có 11 triệu dân cũng như hạn chế đi lại ở nhiều thành phố khác. Sự bùng phát quá mạnh và nhanh của dịch Covid-19 cũng đã khiến Italy - quốc gia có số người mắc nhiễm Covid-19 nhiều nhất trên thế giới ngoài Trung Quốc với hơn 9.000 ca nhiễm và hơn 460 ca tử vong đã quyết định phong tỏa, hạn chế đi đối với cả đất nước từ ngày 10-3.
Dù tỷ lệ tử vong không cao bằng các dịch bệnh SARS, Ebola, MERS… nhưng dịch bệnh Covid-19 cũng gây ra nhiều lo lắng trên toàn cầu bởi dễ lây lan hơn rất nhiều các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trước đó. Thời gian ủ bệnh lâu và dễ lây lan là nhân tố khiến dịch Covid-19 khó phát hiện, ngăn chặn sớm và chính điều này khiến xã hội và người dân lo lắng.
Cứ nhìn vào cảnh xếp hàng dài mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trong khi những thứ “vũ khí” được xem là ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả với mỗi người hay cảnh vơ vét, mua tích trữ lương thực, thực phẩm… ở nhiều quốc gia trên và vùng lãnh thổ trên thế giới là có thể thấy người dân hoang mang, lo lắng thế nào trước dịch bệnh. Tâm lý hoảng sợ còn xuất hiện cả ở những quốc gia phát triển như cảnh người dân tranh cướp mua giấy vệ sinh ở Australia được hầu hết các đài truyền hình trên thế giới đưa lại.
Thực ra, sự quan tâm, lo sợ hay hoang mang, hoảng loạn trước dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19 là phản ứng tự nhiên của con người. Sự quan tâm, lo lắng cũng có tác dụng tích cực nhất định bởi có vậy người dân mới có ý thức, trách nhiệm để tìm hiểu cũng như phòng ngừa dịch bệnh và điều đó là yếu tố rất quan trọng để giúp các quốc gia có thể sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Tất nhiên, sự hoang mang và hoảng loạn trong dịch bệnh lại là vấn đề hoàn toàn khác, tâm lý này nếu bao trùm trong xã hội sẽ đưa lại những hệ lụy khôn lường, làm đảo lộn cuộc sống, khiến công cuộc phòng chống dịch bệnh trở nên phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều.
“Vaccine” có sẵn của người Việt Nam trong chống dịch Covid-19
Tại nước ta cũng có thời điểm xuất hiện tâm lý lo lắng thái quá, thậm chí là không đúng khi có dấu hiệu đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm sau khi có ca bệnh Covid-19 thứ 17 và là ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội. Tuy nhiên, sự vào cuộc kịp thời và mạnh mẽ của cơ quan chức năng, trong đó có sự tham gia của các phương tiện truyền thông chính thống, đã nhanh chóng góp phần cởi bỏ tâm lý lo ngại của người dân.
Chính phủ và chính quyền các địa phương từ rất sớm đã khẳng định đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và mọi nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, trong đó bao gồm cả những người trong khu vực cách ly để phòng chống dịch Covid-19.
Thực tế này có thể thấy hiển nhiên tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) trong suốt 20 ngày cách ly và hiện nay tại phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội).
Thông tin ngày 10-3 cho biết, Sở Y tế Hà Nội vừa có tờ trình khẩn gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc hỗ trợ tiền ăn đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Theo đó, đối với các trường hợp cơ sở cách ly y tế (không phải là nhà, nơi cư trú) đã bố trí cung cấp suất ăn cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thì không thu tiền của người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Tiền ăn đã thanh toán sẽ được ngân sách thành phố bố trí theo thực tế đã phát sinh, tối đa không quá 80.000 đồng/người/ngày.
Có thể thấy, trong mọi trường hợp, những người mắc bệnh hay bị cách ly vì dịch Covid-19 đều được chữa trị chu đáo, đảm bảo những nhu cầu thiết yếu. Vì thế, mọi tâm lý hay hành vi hoang mang, hoảng loạn là thái quá, không có căn cứ.
Chính vì vậy, sự sợ hãi và hoảng loạn trong dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19 còn gây hại hơn cả virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2/nCoV) quái ác. Lo sợ là phản ứng tự nhiên của con người bởi ai cũng đều muốn bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh mới. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi có thể gây hại nhiều hơn dịch bệnh Covid-19.
Sự sợ hãi trong dịch bệnh làm chúng ta hoảng sợ hoặc thực hiện hành động khiến vấn đề tồi tệ hơn, ví như lan truyền tin đồn trên mạng, tích trữ quá mức khẩu trang hoặc thực phẩm, hoặc đổ lỗi cho một nhóm người gây ra sự bùng phát dịch... Chính vì vậy, chúng ta càng trong chiến đấu quyết liệt chống dịch Covid-19 càng cần tỉnh táo, can đảm và đoàn kết cùng nhau vượt qua giai đoạn cam go hiện nay.
Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “vaccine có sẵn của người Việt Nam là tinh thần vượt khó, đoàn kết, sự kiên cường, càng khó càng mạnh mẽ, càng tiến lên”. Trận chiến chống dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài nhưng dân tộc ta là dân tộc bền chí, càng đánh càng giỏi, càng bình tĩnh để thắng lợi, không phải thắng lợi đơn mà là thắng lợi kép. Mỗi người chúng ta hãy luôn mang “Tinh thần và trí tuệ Việt Nam” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.