Loay hoay gom sách giáo khoa
Dù năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tuần nhưng nhiều phụ huynh vẫn chật vật tìm SGK cho con. Các bậc cha mẹ nhận được thông tin áp dụng chương trình SGK mới cho năm học 2022-2023, tuy nhiên, lượng sách khan hiếm khiến họ phải vất vả tìm mua.
Kể về hành trình mua SGK cho con, chị Nguyễn Thu Minh (Ba Đình) cho biết, trường của con gái chị thông báo chọn SGK lớp 10 từ 2 bộ sách khác nhau, bao gồm bộ “Cánh diều” và “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chạy đôn chạy đáo tới 3 nhà sách nhưng chị Minh vẫn chưa mua đủ SGK cho con.
Chưa khi nào, bố mẹ cảm thấy “bất lực” trong việc mua SGK cho con như năm nay
Còn anh Đinh Văn Long ở quận Long Biên có con học trường THPT Thạch Bàn chia sẻ: Hiện tại con tôi vẫn thiếu sách tiếng Anh. Đến giờ của môn học này, giáo viên lại phô tô bài để phát cho các con học. Gia đình tôi đã tìm mua sách bên ngoài nhưng cũng không có. Tôi nghĩ đến tầm tuổi này, ngoài học bài cũ, các con phải tìm hiểu trước bài mới, vậy mà đến bây giờ sang tuần thứ 2 rồi mà chưa mua được sách để đi học”.
Ở một cấp học khác, chị Hoàng Thu Trang (Hoàn Kiếm) tỏ ra vô cùng mệt mỏi: “Riêng chuyện mua SGK cho con cũng khiến mình áp lực. Nhà mình có 2 con học cùng một trường. Bạn lớn năm nay học lớp 3 mua dễ dàng hơn vì mua một bộ “Kết nối tri thức”, còn lớp 1 thì phải đến nay vẫn chưa tìm đủ sách cho con vì có sự trộn lẫn giữa nhiều bộ sách. Chưa bao giờ mình cảm thấy việc mua SGK cho con gian nan như này”.
Lặn lội từ Hà Đông lên Cầu Giấy tìm SGK cho con, anh Hoàng Đức Mạnh dành cả buổi chiều để gom đủ bộ sách cho cậu con trai học lớp 6. “Năm nay, trường con trai có ra thông báo, với môn Toán sẽ học bộ “Cánh diều”; môn Mỹ thuật học bộ “Chân trời sáng tạo”; môn Tiếng Anh của Global Success; còn các môn còn lại sử dụng bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Những năm trước chỉ cần ra nhà sách, tìm mua một bộ được xếp sẵn. Còn bây giờ, mình thấy loạn sách quá, chả hiểu sao mỗi SGK thôi mà trộn từ 3 - 4 bộ khác nhau”, anh Mạnh than thở.
Nhà sách cũng “chóng mặt”
21h, nhân viên nhà sách Tiến Thọ (Xuân Thủy, Cầu Giấy) vẫn đang loay hoay tìm sách cho khách hàng. Lý giải về việc khan hiếm SGK, bạn nhân viên này tiết lộ: Các nhà sách không thể mạo hiểm nhập theo bộ, đặc biệt với SGK lớp 10 năm nay. Khi thực hiện chương trình mới, mỗi nhà trường sẽ triển khai tổ hợp môn học khác nhau nên nhu cầu về sách theo môn, theo loại (đơn vị xuất bản) rất khác nhau, vì vậy rất khó trong việc định lượng được nhu cầu.
Năm học 2022-2023, với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông với khối lớp 3, 7 và 10, bộ SGK “chuẩn” trên nền những bộ sách được tỉnh, thành phố trực thuộc phê duyệt sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn của các trường. Điều này khiến các Nhà xuất bản gặp khó khăn trong công tác xác định được số liệu để in ấn, gây ra tình trạng khan hiếm SGK.
Nhu cầu SGK vẫn rất lớn dù đã vào năm học mới
Về phía mình, các nhà sách cũng lựa chọn nhập SGK theo đợt. Lý do không thể nhập đồng loạt các môn học vì nguy cơ hàng tồn là rất cao. Thay vào đó, các nhà sách dựa theo nhu cầu của phụ huynh, hoặc xem xét các môn học được đa số các trường lựa chọn để có kế hoạch nhập SGK.
Trả lời câu hỏi khi nào có SGK khách hàng cần, nhân viên Nhà sách Tiến Thọ chưa dám đưa ra một mốc thời gian xác định. Các nhà sách không thể biết chắc chắn vì tình trạng chung là những lớp sang năm thay sách thì sách in năm nay không còn giá trị sử dụng nữa nên số lượng in và nhập về cũng hạn chế để tránh tồn kho.
Trước thắc mắc của phụ huynh, ông Nguyễn Hữu Đồng, hiệu trưởng trường THPT Thạch Bàn (Long Biên) cho rằng, thiếu SGK, phóng viên phải hỏi nhà xuất bản, trường không có chức năng phát hành. Cũng theo ông Đồng, nhà trường đã hỗ trợ học sinh có đủ sách học. Tuy nhiên, theo một số học sinh lớp 10 tại trường này, hiện sách tiếng Anh vẫn chưa có, đến giờ học môn này, giáo viên sẽ phát 1 bài phô tô cho các em học sinh.
Vẫn biết rằng, chương trình học thay đổi đột ngột khiến cho việc điều chỉnh, in ấn sách gặp khó khăn hay việc thay đổi môn Lịch Sử từ môn học tự chọn thành môn bắt buộc khiến cho nội dung cũng phải chỉnh sửa… từ đó dẫn đến việc xuất bản, phân phối chậm trễ. Tuy nhiên nếu không mua được sách ngoài thị trường, nhà trường nên hướng dẫn phụ huynh, học sinh phô tô bản mềm sách điện tử để các em có tài liệu học tập, nghiên cứu.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023. Trong đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dung, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.
Đình Trung - TTTĐ