Ảnh minh hoạ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 02 Nhà máy nhiệt điện và 01 nhà máy sản xuất phân bón có nguồn tro, xỉ lớn phát thải ra môi trường.
Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (có 01 Nhà máy Nhiệt điện và 01 Nhà máy sản xuất phân đạm) và Công ty Nhiệt điện Sơn Động - TKV (có 01 nhà máy nhiệt điện) với tổng khối lượng tro, xỉ bình quân khoảng 440.000 tấn/năm.
Trong đó, chỉ tính riêng Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc phát thải khoảng 180.000 tấn/năm; Nhiệt điện Sơn Động - TKV phát thải khoảng 260.000 tấn/năm.
Dự kiến đến năm 2023, nhà máy nhiệt điện An Khánh của Công ty TNHH MTV An Khánh hoàn thành đi vào hoạt động sẽ có thêm lượng tro, xỉ phát thải ra môi trường khoảng 800.000 tấn/năm.
Nâng tổng khối lượng tro, xỉ toàn tỉnh lên 1,220 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, Theo báo cáo của Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc và Công ty Nhiệt điện Sơn Động - TKV thì trong 3 năm gần đây (2016 - 2018) lượng tiêu thụ tro, xỉ bình quân đạt khoảng 260.000 tấn/năm.
Trong khi đó, Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc mỗi năm tiêu thụ được 180.000 tấn/180.000 tấn tro, xỉ phát thải, đạt 100%;
Công ty Nhiệt điện Sơn Động -TKV mỗi năm tiêu thụ bình quân được 80.000 tấn/260.000 tấn tro, xỉ phát thải chỉ đạt 30%, còn dư thừa khoảng 180.000 tấn.
Với mức tiêu thụ như trên, nếu Nhà máy nhiệt điện An Khánh đi vào hoạt động, thì khối lượng tro, xỉ phát thải ra môi trường còn tồn đọng rất lớn (khoảng 1,220 triệu tấn/năm).
Ảnh minh hoạ.
Nếu tỉnh Bắc Giang không có giải pháp xử lý kịp thời, khối lượng tro, xỉ tồn đọng tại các nhà máy sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường. Làm gia tăng diện tích bãi thải và lãng phí tài nguyên.
Chính vì vậy, đứng trước thách thức này, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Như, từ năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hoá chất, phân bón trên địa bàn tỉnh làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng, thay thế một phần sét để sản xuất clanhke xi măng. Thay thế môt phần sét để sản xuất gạch đất sét nung, làm phụ gia khoáng cho sản xuất bê tông và gạch không nung, làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông.
Đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 02 năm sản xuất theo mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, là mục tiêu cụ thể và quyết liệt. Từ năm 2020, xử lý và sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 80% tổng lượng tích luỹ. Trong đó, 30% dành cho làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng; thay thế một phần đất sét để sản xuất clanhke xi măng; 70% làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND cấp huyện và các doanh nghiệp có nhà máy nhiệt điện, phân bón triển khai thực hiện sớm kế hoạch; Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đánh giá và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch với UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo định kỳ…
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Công thương thực hiện thu hồi phần diện tích bãi thải vượt quy định của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hoá chất, phân bón, bảo đảm yêu cầu đến năm 2020 diện tích bãi thải không quá 2 năm sản xuất trung bình…
Sở Công thương đôn đốc các chủ cơ sở phát thải, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và các cơ quan chủ quản quản lý các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hoá chất, phân bón có trách nhiệm lập đề án xử lý và tiêu thụ tro xỉ, thạch cao trình Bộ Công thương phê duyệt theo quy định…
Các nhà máy nhiệt điện, phân bón có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố để quản lý, sử dụng lượng tro xỉ phát thải trong quá trình sản xuất, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng tro, xỉ được tiếp cận dễ dàng nguồn nguyên liệu này tại các nhà máy nhiệt điện, phân bón.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.