Biến thể mới của SARS-CoV-2 đang gia tăng nhanh trên toàn cầu
Kinhte&Xahoi
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia ghi nhận thông tin biến thể JN.1 của vi rút SARS-CoV-2 gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng về sự tăng nặng của biến thể JN.1 so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2.
Chiều 22-12, theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia ghi nhận thông tin biến thể JN.1 của vi rút SARS-CoV-2 gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian gần đây. Biến thể JN.1 thuộc nhóm biến thể cần quan tâm, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện chưa có bằng chứng về sự tăng nặng của biến thể JN.1 so với các biến thể trước đó của vi rút SARS-CoV-2 và nguy cơ sức khỏe cộng đồng vẫn được đánh giá ở mức độ thấp cấp độ toàn cầu.
Ảnh minh họa
Dù vậy, số mắc SARS-CoV-2 nói riêng và các bệnh đường hô hấp khác nói chung được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là ở các quốc gia đang bước vào mùa đông, có thể làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện tại các cơ sở y tế.
Trước đó, vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi tạo ra các biến thể mới, gần nhất là biến thể JN.1. Trên cơ sở thay đổi về đặc tính của vi rút, mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng liên quan hoặc hiệu quả của vắc xin điều trị, chẩn đoán, các biện pháp xã hội…, WHO phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm, bao gồm: Biến thể cần quan tâm; biến thể đáng lo ngại; biến thể được theo dõi và biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn tại nước ta, Cục Y tế dự phòng cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được kiểm soát. Số ca bệnh ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Cùng với đó, số ca nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị cũng thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp nói chung và Covid-19 nói riêng, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền.
Các chuyên gia của Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để phòng, chống dịch bệnh, người dân tiếp tục thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn). Cụ thể, đeo khẩu trang ở nơi đông người, địa điểm công cộng để không chỉ phòng bệnh Covid-19, mà còn các bệnh truyền nhiễm khác.
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát nhằm sớm phát hiện các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường về số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể... Trên cơ sở đó chủ động, phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur, các bệnh viện có khả năng xác định biến thể mới của Covid-19 lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể mới.
Thu Trang- Hà Nội mới