Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện cũng tổ chức các hoạt động vui xuân, đón Tết, động viên tinh thần, vật chất cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Xuân Lộc
Chăm sóc, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người bệnh
Vào những ngày giáp Tết, công việc của các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - nơi chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân “đặc biệt” dường như bận rộn hơn bình thường. Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Vũ Ngọc Úy cho biết, năm nay có hơn 200 bệnh nhân ăn Tết tại bệnh viện. Họ là những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần nặng hoặc có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện sức khỏe, tâm sinh lý về ăn Tết cùng gia đình. Để bệnh nhân có được cái Tết đầy đủ, trọn vẹn, bệnh viện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên.
“Nơi đây điều trị cho những người bệnh “đặc biệt”, không biết tự chăm lo cho bản thân nên ngoài việc lo từng viên thuốc, bữa ăn, bảo đảm đủ chăn ấm, đệm êm những ngày giá rét, bệnh viện còn quan tâm đến tâm tư, những chuyện vui, buồn của họ; phối hợp với nhiều đoàn thiện nguyện, nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết cho người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện lên kế hoạch tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân mới trong những ngày Tết như bị loạn thần do rượu, người tái phát bệnh do yếu tố tinh thần, cảm xúc, thiếu sự quan tâm, chăm sóc…”, ông Vũ Ngọc Úy chia sẻ.
Cứ sau mỗi dịp Tết, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang lại rút ra những bài học kinh nghiệm để tổ chức ứng trực cấp cứu tốt hơn. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, bệnh viện đã phân công lịch trực 24/24 giờ đối với lãnh đạo, nhân viên trong những ngày nghỉ Tết. Đồng thời yêu cầu các kíp trực tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Đặc biệt, bệnh viện lên kế hoạch về phòng, chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt, phòng, chống rét cho người bệnh...
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Ban Giám đốc đã lên kế hoạch phục vụ bệnh nhân với sự chuẩn bị chu đáo. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, theo kế hoạch, bệnh viện tổ chức trực Tết theo 4 cấp: Lãnh đạo bệnh viện; lãnh đạo các khoa phòng, viện trong bệnh viện; bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp thực hiện chuyên môn; bác sĩ, điều dưỡng thường trú về chuyên môn. Trong đó, tập trung cao độ lực lượng ở khu vực cấp cứu A9, khu vực đột quỵ, trung tâm chống độc, tim mạch…
Cùng với công tác chuyên môn, bệnh viện đã tổ chức “Chợ Tết yêu thương” với 50 gian hàng tham gia trích từ 10% đến 100% số tiền bán được để ủng hộ cho bệnh nhân nghèo ở lại bệnh viện điều trị trong dịp Tết.
Tương tự, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng tổ chức hội chợ "Tết 0 đồng" dành cho bệnh nhân. Với mỗi tấm phiếu tại hội chợ, người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân có thể nhận 5 món hàng miễn phí.
Ông Nguyễn Sơn Liệu (83 tuổi, đang điều trị bệnh tim mạch ở Bệnh viện Thanh Nhàn) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội chợ "Tết 0 đồng". Với những người bệnh chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường bệnh viện, trong khi ngoài kia mọi người đang háo hức sắm sửa cho Tết thì việc được tham gia hội chợ, nhận quà Tết như thế này thật sự rất ý nghĩa”.
Tăng cường kiểm tra công tác ứng trực cấp cứu
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ngành Y tế Hà Nội đã bố trí 114 điểm bán thuốc trong bệnh viện và tại các quận, huyện, thị xã. Sở Y tế Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị bảo đảm cung ứng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân và không được lợi dụng dịp Tết để tăng giá thuốc.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng bố trí các kíp trực cấp cứu tại những điểm bắn pháo hoa, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, trực cấp cứu 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết và chuẩn bị sẵn đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp xảy ra những tình huống như: Chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt, thảm họa nếu có…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trước và trong Tết, Sở Y tế sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra đột xuất các kíp trực cấp cứu tại những điểm bắn pháo hoa và thường trực cấp cứu của một số bệnh viện. Sở Y tế cũng yêu cầu, mọi trường hợp xảy ra sự cố bất thường, thảm họa, tai nạn, ngộ độc hàng loạt…, các đơn vị cần báo cáo ngay bằng điện thoại về đường dây nóng của Sở Y tế: 024.39.985.765.
Để Tết bình an, hệ thống y tế không quá tải, theo ông Vũ Cao Cương, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng. Mặt khác, nên hạn chế uống rượu, bia, nhất là khi phải điều khiển phương tiện giao thông để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Riêng các trường hợp mắc bệnh mạn tính phải tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh tái phát bệnh trong những ngày Tết...
Thu Trang - Hà Nội mới