Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP báo cáo đề án phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM đến năm 2030. Theo đề án, TP.HCM với vai trò là một đô thị đặc biệt cần phải tạo được những chuyển biến trên các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó giao thông được xem là mạch máu của nền kinh tế, cần được ưu tiên phát triển. Do vậy, tại đề án này, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP nhiều nội dung quan trọng.
Nguồn vốn khổng lồ
Về cơ chế vốn thực hiện các dự án, Sở GTVT xác định trong giai đoạn 2021-2030, tổng kinh phí dự kiến để đầu tư hạ tầng giao thông TP là 904.293 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP là 438.776 tỉ đồng. Các nguồn vốn khác (trung ương, xã hội hóa đầu tư, vốn vay ODA...) là 465.517 tỉ đồng.
Đối với các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương trên địa bàn TP như vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài,... Sở kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép TP sử dụng ngân sách, các nguồn lực tài chính khác hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư để sớm hoàn thành dự án.
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị UBND TP sớm hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý ngân sách. Đồng thời phân cấp nguồn thu, xây dựng nguyên tắc, định mức phân bổ ngân sách cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xác định tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý trình Quốc hội. Việc này sẽ tạo điều kiện cho TP có nguồn lực để thực hiện đề án này.
Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia công tác quản lý.
“Do đề án có tác động đến người dân và cần nguồn kinh phí lớn, cần có sự quyết liệt vào cuộc của hệ thống chính trị, kiến nghị UBND TP báo cáo Thành ủy, Hđnd xem xét, cho ý kiến đảm bảo cơ sở triển khai và công bố cho người dân được biết” - văn bản Sở GTVT nêu rõ.
Dự án vành đai 2, đoạn Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa (quốc lộ 1) động thổ từ năm 2015 nhưng đến nay chỉ là từng đoạn công trường ngổn ngang
Cần tính toán nhu cầu thực tế
Đại diện Sở GTVT TP cho biết việc phát triển hệ thống giao thông TP hiện đang rất chậm so với quy hoạch dù có nhiều dự án giao thông chuẩn bị triển khai. Giai đoạn 2016-2021 mới đầu tư được 12.600 tỉ đồng (đạt 27%) cho các công trình giảm ùn tắc giao thông. Nhiều dự án giao thông triển khai chậm là do kinh phí giải phóng mặt bằng, tỉ lệ điều tiết ngày càng thấp, trước kia là 35%, nay còn 18%.
Hiện TP có bảy nhóm giải pháp để giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông, song với tỉ lệ tăng cơ học về dân số và phương tiện đòi hỏi phải có giải pháp công trình. Trong đó, ưu tiên phát triển tám tuyến đường sắt đô thị. “Diện mạo giao thông TP tới năm 2025 sẽ có sự thay đổi nhất định. Cụ thể, tới năm 2025 nếu nỗ lực có thể khép kín được vành đai 2, hoàn thành, đưa vào vận hành tuyến metro số 1 và số 2 sẽ góp phần vận tải lượng hành khách lớn” - vị này cho biết.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng TP đang triển khai nhiều chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông và phát triển đô thị. Để kết hợp với nhu cầu thực tế, TP cần tính toán nhu cầu thực sự để phát triển giao thông và đô thị là bao nhiêu. TS Cương cho rằng lâu nay chúng ta vẫn làm việc theo kiểu liệu cơm gắp mắm nên không dám đặt ra những phương án và cách thức huy động vốn mạnh hơn.
Theo TS Võ Kim Cương, nếu đặt mục tiêu phải xây dựng tám tuyến metro, phát triển các tuyến đường xuyên tâm, vành đai trong thời gian tới thì số tiền đầu tư rất lớn và có thể chiếm gần hết 900.000 tỉ đồng này.
Ngoài các tuyến metro thì TP cũng cần phát triển các tuyến đường lớn mới đem lại hiệu quả như các tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất cần được mở rộng. Trên cơ sở đó mới có cơ sở để tìm nguồn vốn thay vì trông chờ vào trung ương. TP có thể kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài để khai thác kinh phí phát triển đô thị mới mang lại hiệu quả cao. “900.000 tỉ đồng là con số lớn, TP cần tìm các phương án đầu tư để đáp ứng nhu cầu giao thông hiện nay” - TS Võ Kim Cương bày tỏ.
Chú trọng đầu tư nhiều dự án
Theo đề án, trong năm năm tới, TP ưu tiên các dự án gồm cao tốc như TP. HCM - Mộc Bài, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP. HCM - Trung Lương (mở rộng). Đồng thời, tập trung các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50 và tập trung các dự án xây dựng các tuyến vành đai 2 và vành đai 3. Giai đoạn này, TP cũng tập trung đầu tư hoàn thành ba tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).
Đến năm 2025-2030, ưu tiên bốn tuyến metro số 3 (Bến Thành - Bến xe miền Tây), số 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm) và đoạn Tham Lương - Bến xe An Sương, số 4b (Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả), số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc).
Cũng trong giai đoạn này, đề án cũng đề xuất đầu tư năm tuyến đường trên cao.
Đào Trang - Phan Cường