Lợi dụng điều này, một số tiểu thương đã dùng hóa chất giữ cho cây tươi tốt hoặc làm giả các bộ phận của cây cảnh như gắn hoa, quả, lá… vào cây một cách tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng hòng kiếm lời. Vì vậy, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong lựa chọn để không mua phải cây cảnh rởm...
Khách hàng chọn mua cây cảnh tại đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ Tâm
Nhiều thủ thuật lừa đảo
Hiện tại, trên nhiều tuyến đường của thành phố Hà Nội bày bán các loại hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu trang trí Tết của đơn vị, gia đình.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, các cây cảnh bonsai như sung, táo, khế, hải đường… được bày bán đều có quả sai chi chít, hình dáng lạ. Có những cây bưởi, phật thủ… thân to, quả sai trĩu cành khiến ai nhìn cũng trầm trồ khen đẹp. Giá cả các loại cây rất phong phú, đa dạng, từ 100.000 đồng đến cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp bắt mắt đó, không ít người rước bực vì mua phải cây cảnh giả.
Khi phóng viên đang loay hoay tìm hiểu cây bưởi bonsai tại đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) có khoảng 10 quả trên cành, một người đứng cạnh ghé tai nói nhỏ: Cẩn thận quả gắn keo 502 đấy. Lúc này, phóng viên mới kịp định thần soi kỹ lại từng quả. Quả thật có rất nhiều sự khác biệt trong từng quả bưởi. Có quả rũ xuống như muốn rời khỏi cành, nhưng có quả cứ thẳng đứng. Hóa ra, để tạo thế cho cây bưởi và nâng cao giá trị, người trồng cây đã cố tình ghim đinh vào bên trong quả bưởi và gắn keo chắc chắn để định vị quả bưởi trên cành.
Tìm hiểu thị trường cây cảnh, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, tiểu thương có rất nhiều thủ thuật, mánh khóe khi bán hoa, cây cảnh. Chẳng hạn, có cây táo bonsai với chi chít quả, nhưng thực chất, những quả táo đỏ, hồng đó lại được cắm vào thân cây dâm bụt. Nhiều cây hải đường nhỏ xinh có giá từ 300.000 đồng/cây đến 400.000 đồng/cây với rất nhiều nụ hoa tưởng như chỉ 2-3 ngày nữa có thể nở bung nhưng thực chất lại được gắn thủ công bằng keo. Tại các cửa hàng cũng xuất hiện nhiều cây sung bonsai với quả sai chi chít. Tuy nhiên, theo nhiều nạn nhân thì chỉ vài ngày khi quả không được tưới dinh dưỡng sẽ tự héo, chuyển màu đen.
Là nạn nhân của tình trạng cắm quả này vào thân cây kia để tạo cây bonsai đẹp đẽ, lạ mắt, chị Vũ Huyền Trang (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) vẫn chưa hết bực mình. Chị Trang bỏ tiền mua một cây táo đỏ để chờ ngày Tết với mong muốn quả tươi, cây tốt mang phúc lộc cả năm. Tuy nhiên, mua cây về được khoảng 3 ngày thì chị phát hiện có quả táo bị rụng. Nhìn kỹ, tra trên mạng một hồi, chị mới tá hỏa hóa ra thân cây chính là cây dâm bụt, được người trồng gắn quả táo Trung Quốc vào...
Cùng chung cảnh ngộ, anh Trần Anh Tuấn (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) kể lại, năm ngoái gia đình anh được phen lo lắng xen lẫn bực mình do đúng đêm Giao thừa thì có 2 quả bưởi bị rụng. Khi nhìn kỹ hóa ra quả bưởi bị gắn keo nên để trên cây lâu ngày bị rụng. Cả Tết, gia đình anh Tuấn mất vui và tự nhủ sẽ không bao giờ tin vào lời quảng cáo của người bán hàng.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ một vườn cây cảnh ở quận Tây Hồ cho biết, thực tế việc thiết kế một cây bonsai có quả chi chít như bày bán là không đơn giản. Để có một cây sung có quả từ gốc đến ngọn, người trồng phải mất cả năm trời, giá bán không thể ở mức vài trăm nghìn đồng mà phải vài triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng. “Giá thành sẽ đi liền với chất lượng. Nếu ham rẻ thì thời gian chơi cây chỉ vài ngày, không nhất thiết phải lãng phí tiền của. Không những thế, người ham rẻ có thể mua bực vào mình vì ngày Tết cây chết sẽ có cảm giác đen đủi”, anh Tiến chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội Vương Xuân Nguyên cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng dùng keo để gắn hoa, quả vào cành, thân cây nhằm "móc túi" người tiêu dùng. Trong đó, xuất hiện loại táo Trung Quốc gắn vào thân cây dâm bụt hoặc cây ngọc bút bằng keo. Thậm chí các loại quả quất, cam, quýt, bưởi, bòng, phật thủ... được gắn “cơ học” bằng các loại keo. Thông thường khi các loại cây không cùng chi, cùng loài thì cấy ghép thân, quả vào nhau sẽ không thể phát triển. Trong khi đó, để quả tươi lâu, người trồng cây đã đưa một lượng hóa chất không nhỏ vào quả, nếu trưng bày trong nhà không chỉ độc hại cho sức khỏe mà còn rất nguy hiểm nếu ăn quả.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần cảnh giác với các loại cây lá màu có mủ ở lá. Loại cây này có chứa chất độc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu trẻ tiếp xúc gần. Đặc biệt, mủ của cây có thể gây bỏng, thậm chí là mù nếu dính trực tiếp vào mắt... Đối với những quả “giả” được gắn bằng keo hay ướp hóa chất để tươi lâu nếu trẻ nhỏ vô tình ăn phải sẽ rủi ro với sức khỏe.
Việc lựa chọn cây cảnh phù hợp với gia đình ngày Tết rất quan trọng. Mỗi người dân hãy là nhà tiêu dùng thông thái, lựa chọn được cho mình những sản phẩm thiên nhiên vừa đẹp, vừa không gây hại cho sức khỏe.
Kim Vũ - Hà Nội mới