Nhiều người “sập bẫy” mất tiền tỷ
Mới đây Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã phát đi thông báo đề nghị người bị hại đến cơ quan công an trình báo, cung cấp tài liệu về các vụ việc đối tượng giả mạo nhân viên công ty đăng tin tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra năm 2021, 2022, với thủ đoạn giả mạo nhân viên Công ty TNHH Shopee đăng bài tuyển cộng tác viên trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...). Khi bị hại đồng ý tham gia làm cộng tác viên bán hàng, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại ứng tiền chuyển thanh toán hàng chỉ được hoàn tiền cùng 10 -15% tiền lợi nhuận.
Sau một vài đơn hàng có giá trị thấp, bị hại được hoàn tiền gốc và tiền lợi nhuận; các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại thực hiện các đơn hàng có giá trị cao. Khi bị hại chuyển tiền thanh toán, những kẻ lừa đảo lấy nhiều lý do thông báo đơn hàng bị lỗi, yêu cầu người bị hại thực hiện lại hoặc tiếp tục thực hiện các đơn hàng khác rồi chiếm đoạt số tiền bị hại đã chuyển.
Mức hoa hồng hấp dẫn sẽ khiến người dân mất cảnh giác bước vào bẫy lừa đảo
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã sử dụng các tài khoản Zalo có tên “Nguyễn Thiện”, “Chung Hoàng”, “Nguyễn Thùy Dung”, “Đoàn Xuân Tài”… và các tài khoản một số ngân hàng thương mại để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đề nghị các cá nhân là người bị hại trong các vụ việc, vụ án mà đối tượng sử dụng các tài khoản Zalo, tài khoản ngân hàng… lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đến Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội để tố giác, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án.
Không chỉ có vụ việc nêu trên, thời gian qua, Công an TP Hà Nội và các tỉnh thành đã tiếp nhận nhiều vụ việc có những nạn nhân cũng như số tiền bị chiếm đoạt đặc biệt lớn.
Điển hình ngày 17/10/2022, Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị Nguyễn Thị T (40 tuổi, thường trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về việc chị lên mạng xã hội tìm việc làm online. Sau đó chị nhận được lời mời làm cộng tác viên thanh toán các đơn hàng của một hãng thời trang sẽ được hưởng tiền hoa hồng.
Chị T thực hiện nhiệm vụ xong thì rút tiền nhưng tài khoản báo lỗi. Các đối tượng yêu cầu chị nạp thêm tiền mới được lấy lại tiền gốc. Sau khi chuyển 300 triệu đồng, chị T mới biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Trước đó vào giữa tháng 9/2022, chị Hoàng Thị L (39 tuổi, thường trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, (quận Cầu Giấy, Hà Nội), trình báo về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 3 tỷ đồng.
Theo trình báo, sau khi tìm được một công việc chốt đơn hàng trên mạng Internet. Chị L cài đặt ứng dụng "Lark", tạo tài khoản theo hướng dẫn của một "boss" và bắt đầu làm nhiệm vụ. Sau khi thực hiện thanh toán cho hai đơn hàng trị giá hơn 700 ngàn đồng, chị L nhận được số tiền gốc và lãi là 1 triệu đồng. Thấy kiếm tiền đơn giản, chị tiếp tục thực hiện 4 nhiệm vụ và chuyển tổng số tiền 80 triệu đồng vào tài khoản cho boss. Tuy nhiên, lúc này chị L không nhận được tiền gốc và hoa hồng nữa.
Đối tượng giải thích chị L nhập sai mã nên tài khoản bị khoá và yêu cầu phải chuyển thêm tiền thì tài khoản mới "mở" và có thể rút tiền ra được. Sau khi nộp thêm hơn 200 triệu đồng nữa thì các đối tượng báo chị L cài sai ID tài khoản. Để chứng minh mình không sai, chị L nộp thêm hơn 300 triệu nữa mới được giải ngân. Vì tiếc số tiền đã nộp, chị L cứ chuyển mãi, chuyển mãi với tổng số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng mà vẫn không nhận được một đồng nào. Lúc này, chị L mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Tâm lý cần việc và mồi nhử hấp dẫn
Không chỉ có phụ nữ bị lừa đảo, giữa tháng 10 vừa qua, người đàn ông tên C trú ở Nghệ An cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Theo nội dung đơn tố cáo, người đàn ông này được mời vào làm cộng tác viên cho Shopee và Tiktoks hop để làm nhiệm vụ và nhận hoa hồng. Ông C được đưa vào nhóm chat gồm có một người tên Hương và hai người khác.
Trong nhóm chat này, ông C được hướng dẫn mua đơn 50.000 đồng và 450.000 đồng. Nhiệm vụ của ông C là lên Shopee thêm mặt hàng được yêu cầu vào giỏ hàng và đợi người hướng dẫn gửi số tài khoản đến rồi chuyển tiền vào đó. Chuyển tiền lần thứ nhất là 500.000 đồng thì khoảng 10 phút sau họ chuyển lại cho ông C 650.000 đồng.
Người dân cần cảnh giác trước những lời mời tuyển cộng tác viên qua mạng xã hội Facebook, Zalo…
Đến nhiệm vụ lần 2, ông C và người phụ nữ tên Hương được yêu cầu phải thực hiện 2 đơn hàng. Số tiền phải chuyển khoản cho mặt hàng được chỉ định là 1,1 triệu đồng. Sang đơn thứ 2 số tiền phải chuyển khoảng 6 triệu đồng. Thời gian làm nhiệm vụ là 10 phút. Tuy nhiên, trong nhóm có một người làm chậm thời gian nên người hướng dẫn phải nói làm một đơn bù với số tiền gần 26 triệu đồng. Vì số tiền lớn nên ông C và người phụ nữ tên Hương xin bảo lưu thêm giờ để hoàn thành nhiệm vụ. Còn một người trong nhóm xin làm trước, kết thúc nhiệm vụ nên chị đó được thanh toán toàn bộ gốc và hoa hồng.
Bắt đầu từ đây, bên ra nhiệm vụ nhiều lần có lý do để om tiền không thanh toán cho ông C. Khi hỏi người hướng dẫn thì được trả lời do chưa trở thành cộng tác viên VIP, phải nâng VIP mới được hoàn trả lại số tiền gần 200 triệu đồng… Đến sáng hôm sau, ông C nhận được câu trả lời từ bên quản lý báo là người kia đã ôm tiền bỏ trốn và hệ thống chưa nhận được số tiền gần 200 triệu đồng của ông.
Bên công ty đồng ý giải ngân cho ông với một điều kiện ông C phải nạp hơn 383 triệu đồng vào tài khoản. Nếu ông không đồng ý tài khoản của ông sẽ bị đóng băng cùng tổng số tiền ông C chuyển khoản vào cho họ là hơn 325 triệu đồng. Sợ mất số tiền đã đầu tư, ông C hoảng loạn rút hết tiền gửi tiết kiệm cộng với vay nóng số tiền 6 tỷ đồng để làm theo yêu cầu. Tổng số tiền ông C bị lừa hơn 7 tỷ đồng.
Qua những vụ lừa đảo như trên, một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng là luôn đưa ra những "mồi nhử" rất hấp dẫn. Mỗi một đơn hàng sau khi thực hiện xong sẽ được hưởng số tiền hoa hồng 10 đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ (từ 1 triệu đến 5 triệu đồng), nạn nhân sẽ được chuyển lại đầy đủ tiền gốc và lãi.
Tuy nhiên khi thực hiện đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng lập tức giở nhiều thủ đoạn khiến cho bị hại khánh kiệt. Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Qua trường hợp nêu trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân nên tỉnh táo khi đọc các bài đăng tuyển việc làm trên mạng xã hội; cảnh giác trước những lời mời chào tham gia làm cộng tác viên bán hàng, chốt đơn với chiết khấu cao; Không cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc, truy cập vào website lạ, tên miền không rõ ràng.
Cơ quan công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thành Lộc - TTTĐ