Chỉ đạo đúng đắn về quy hoạch địa phương
Kinhte&Xahoi
Cách đây 2 ngày (23/3) khi dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý địa phương nắm chắc 8 từ khóa “tuân thủ”, “linh hoạt”, “đồng bộ”, “thấu hiểu”.
Ảnh minh họa.
Theo Phó Thủ tướng, “tuân thủ” là để bảo đảm không đi “lạc đường” và đạt được mục tiêu đề ra. “Lạc đường” có thể hiểu theo các nghĩa sai, phá vỡ quy hoạch hoặc chệch hướng. Xây dựng quy hoạch có tầm, đúng đắn đã khó; quản lý và thực hiện quy hoạch càng khó; bởi lâu nay đây là “khâu yếu” nhất ở nước ta. Ở phạm vi quốc gia, ngành, lĩnh vực cũng thế.
“Linh hoạt” trong cách làm, theo Phó Thủ tướng, là có thể với những mục tiêu không có giá trị cốt lõi, có thể thay đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh; bởi lẽ tầm nhìn 26 năm tới chắc chắn không dễ, có khi phải điều chỉnh. Đây là bài học lấy cái không thay đổi để đối phó với cái thay đổi, nói rộng ra là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Quy hoạch địa phương phải được triển khai đồng bộ với quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch vùng, ngành và một loạt quy hoạch cấp dưới; vì nếu không đồng bộ với nhau thì không đủ điều kiện pháp lý để làm bất cứ việc gì. Thời đại hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế nói chung, hoạt động thương mại nói riêng là thời đại chuỗi giá trị, phải có tư duy logistics không thể chia cắt mà thành công. Kinh tế chia sẻ có thể được hiểu theo nghĩa cả về vĩ mô lẫn vi mô.
Phó Thủ tướng lưu ý những người có trách nhiệm phải thấu hiểu Quy hoạch để triển khai; doanh nghiệp (DN) và người dân phải thấu hiểu để ủng hộ, đồng hành cùng với chính quyền, phát hiện vướng mắc trong các quy hoạch để kịp thời chỉnh sửa.
Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều lấy phương châm “lấy người dân, DN là trung tâm phục vụ”, không có lý do gì Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương không vì con người. Phải nói rằng, người dân và DN là đối tượng phụng sự của Nhà nước, là chủ thể của đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh, có khai thác được tiềm năng, cơ hội phát triển hay không “tuỳ thuộc rất lớn vào năng lực và thái độ của cán bộ”. Phó Thủ tướng đề nghị, trước hết, cán bộ các cấp chính quyền địa phương phải thực sự đoàn kết, gắn bó và biết chia sẻ. Đặc biệt, người đứng đầu phải làm gương, dám chịu trách nhiệm, phải là người tử tế, trước hết là tử tế với đồng chí anh em, tử tế với người dân, quan trọng nhất là phải tử tế với pháp luật để tránh mất cán bộ.
Đó không chỉ là những chỉ đạo đúng đắn, mà còn là những lời tâm huyết xúc động, các cán bộ cần thấu hiểu sẻ chia.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus