Dấu mốc lịch sử trong quản lý cư trú
Kinhte&Xahoi
Từ ngày 1/7/2021, việc bỏ hộ khẩu giấy bắt đầu. Tất nhiên các cơ quan và người dân có lộ trình chuyển tiếp, sử dụng giấy tờ hiện nay và cách thức quản lý cư trú mới đến cuối 2022; nhưng câu nói “buồn như mất sổ hộ khẩu” đã chính thức hết giá trị.
Luật Cư trú 2020 có nhiều điểm đột phá mới; quy định điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh như nhau.
Trước đây, muốn đăng ký thường trú vào Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng; ngoài các điều kiện như những tỉnh khác còn có thêm điều kiện người dân để đăng ký thường trú phải có thời gian tạm trú nhất định liên tục mới được đăng ký hộ.
Ảnh minh họa.
Ví dụ vào các huyện, xã của các thành phố này phải liên tục tạm trú 1 năm trở lên; vào các quận nội thành từ 2 năm trở lên. Riêng quận nội thành Hà Nội phải từ 3 năm trở lên… Nay người dân chỉ cần một điều kiện là có chỗ ở hợp pháp và được chủ hộ đồng ý thì được đăng ký thường trú.
Điểm mới thứ hai, là nếu như trong luật cũ chỉ có 3 nơi công dân được đăng ký thường trú là nhà ở, nơi đóng quân của Công an, Quân đội nhân dân, trên các tàu thuyền phương tiện sử dụng để ở thì luật mới bổ sung thêm 4 nơi là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội, nơi cư trú của người chăm sóc nuôi dưỡng giúp đỡ người cơ nhỡ ngoài cộng đồng và thực tế nơi sinh sống của người không đăng ký thường trú, tạm trú.
Nhóm thứ tư là chính sách rất nhân đạo của luật mới. Trên thực tế có người dân không có nơi tạm trú, thường trú, lâm vào tình trạng vô gia cư. Luật mới quy định với những người này thì nơi cư trú của họ là nơi thực tế họ đang sống.
Thủ tục mới cũng có những điều rất tiến bộ, tạo điều kiện cho người dân, thay đổi phương thức quản lý cư trú từ thủ công sang công nghệ thông tin; sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở kết nối chia sẻ thông tin về hai dữ liệu này. Người dân làm thủ tục hành chính và giao dịch dân sự không phải đem theo giấy tờ như trước nữa, mà dùng mã định danh cá nhân để truy cập vào các cơ sở dữ liệu lưu trữ về lưu trú. Trước đây, những thông tin của công dân lưu trữ trên sổ hộ khẩu giấy. Theo luật mới, những thông tin này được cập nhật, lưu trữ điện tử.
Bỏ sổ hộ khẩu giấy cắt giảm đi rất nhiều chi phí, ví dụ người dân khi làm thủ tục hành chính, giao dịch phải photocopy, công chứng xuất trình nhiều giấy tờ liên quan. Khi chuyển sang sử dụng dữ liệu thẻ căn cước công dân, mã số định danh thì những cái đó không còn cần thiết nữa. Sẽ giảm đi rất nhiều khâu trung gian, tiết kiệm thời gian, chi phí…
Lợi ích của quy định mới còn đảm bảo quyền bình đẳng của người dân các địa phương trong đăng ký cư trú. Luật cũng cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đăng ký cư trú ở nơi họ sinh sống hợp pháp.
Một chuyên gia đánh giá: “Có thể nói là chúng ta đã “khai tử” một di sản của một thời kỳ bao cấp. Chúng ta mở ra một kỷ nguyên mới trong phương thức quản lý xã hội. Sổ hộ khẩu đã gắn bó với chúng ta rất lâu, cả một thời gian dài trong lịch sử. Đã đến lúc chúng ta thay đổi bằng nền tảng sử liệu dữ liệu số để quản lý, phục vụ giao dịch người dân”.
Sổ hộ khẩu giấy đã chính thức bị “khai tử”. Nhưng để mọi việc trôi chảy, cần khoảng thời gian chuyển tiếp, cần sự đồng bộ từ các cơ sở của các bộ, ban, ngành; từ sự ủng hộ của mọi người dân; để lúc đó chính thức có nền tảng vững chắc thực hiện chủ trương Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số.
Minh Khang - Pháp luật Plus