Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa
Kinhte&Xahoi
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội trong năm 2020 ước đạt 3.060,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2019. Trong đó, thương mại đạt 2.408,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%; dịch vụ đạt 593,4 nghìn tỷ đồng (tăng 7,3%)... Những con số này cho thấy, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch Covid-19, việc đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa đã góp phần giúp kinh tế Thủ đô và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông).
Tăng trưởng trong khó khăn
Năm 2020 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức 2 đợt khuyến mại tập trung, vào tháng 6, 7 và tháng 11, thay vì chỉ tổ chức vào tháng 11 như mọi năm. Cùng với đó, các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa với 54 tỉnh, thành phố; các tuần hàng Việt Nam, tuần hàng nông sản các địa phương, sự kiện Hà Nội đêm không ngủ..., được tổ chức, nhằm đẩy mạnh khơi thông thị trường nội địa. Nhờ đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt 3.060,7 nghìn tỷ đồng, trong đó thương mại đạt 2.408,9 nghìn tỷ đồng; dịch vụ đạt 593,4 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội đạt 3,98%.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn giữ đà tăng, bảo đảm đầy đủ mặt hàng thiết yếu đã cho thấy sự vững mạnh của hàng Việt Nam và hệ thống phân phối trong nước.
Còn theo nhận định của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, việc tăng trưởng doanh thu hàng hóa, thương mại, dịch vụ và đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội cho thấy việc đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa là hướng đi đúng, thúc đẩy kinh tế phát triển. “Các giải pháp kích cầu thị trường nội địa mang lại hiệu quả tích cực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển trong tương lai”, ông Nguyễn Minh Phong nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi các nhà sản xuất - cung ứng đã góp phần tạo dựng thị trường ổn định, giảm bớt áp lực về tiêu thụ hàng xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) thông tin, doanh thu của Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống Co.opmart) bình quân tăng 8,2%/năm. Riêng sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ" cuối tháng 11-2020, lượng khách đến với Co.opmart Hà Đông tăng khoảng 200%, doanh thu tăng gần 200%.
Tiếp tục các chương trình kích cầu
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, Sở sẽ tiếp tục tổ chức chương trình khuyến mại tập trung năm 2021 với mục tiêu thu hút từ 1.000 đến 2.000 doanh nghiệp tham gia thông qua các sự kiện “Vì quyền lợi người tiêu dùng”, “Tháng khuyến mại”. Cùng với đó, Sở tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hình thức khuyến mại trên quy mô lớn với mức giảm giá sâu, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Trước mắt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các chương trình: Hội chợ hàng Việt Nam, tuần hàng Việt Nam, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, khu công nghiệp...
Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển sản phẩm, thương hiệu, liên kết vùng, kết nối sản xuất giao thương với các địa phương, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ, mở rộng mạng lưới bán hàng, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ nhu cầu của nhân dân. “Các chương trình kích cầu tiêu dùng của thành phố góp phần hiện thực hóa đề án về phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam””, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Để thúc đẩy sự phát triển thị trường nội địa, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt... Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, muốn kích cầu thị trường nội địa, ngoài việc kết nối hệ thống sản xuất với hệ thống phân phối thì những thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Bản thân doanh nghiệp cũng cần đầu tư, phát triển kênh bán hàng hiện đại, tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi với người tiêu dùng.
Thực tế, qua khó khăn do dịch bệnh, thị trường nội địa một lần nữa khẳng định vai trò và sức mạnh trong khôi phục, phát triển kinh tế, cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới..
Thanh Hiền - Hà Nội mới