Dịch COVID-19 và những chuyện phía sau “đường dây nóng”
Kinhte&Xahoi
Ngoài việc tiếp nhận thông tin về tình dịch các ca bệnh hay ca nghi nhiễm thì “đường dây nóng” của Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội còn tiếp nhận những thông tin dạng như: Tôi vẫn thấy một “ông Tây” trong tòa nhà; hay “hôm nay mùng 1, mai cho tôi lấy xét nghiệm được không”...
Những lúc tiếp nhận thông tin thì người cầm đường dây nóng chỉ biết thốt lên: Trời ạ, trong trường Y có thầy nào dạy chúng tôi giải quyết những tình huống này đâu nhỉ? Đau đầu quá đi, chỉ muốn cho điện thoại vào ngăn đá cho bớt nóng.
Đây là một trong vô vàn câu chuyện được cán bộ trực đường dây nóng của Trung tâm Y tế (TTYT) quận Hai Bà Trưng ghi chép lại.
Bất kể nửa đêm hay sáng sớm, hễ nhận được điện thoại qua đường dây nóng là cán bộ y tế lại lên đường. Ảnh V.A
Trước hết, TTYT quận Hai Bà Trưng khẳng định, “đường dây nóng” mức quy định là các cán bộ y tế luôn phải để chế độ điện thoại thông suốt, có thể liên lạc được bất cứ lúc nào. “Nó nóng đến mức, điện thoại luôn để gần người, kể cả lúc ngủ. Nó nóng đến mức luôn run bần bật, đặc biệt lúc gần đêm, sau khi Bộ y tế tuyên bố các ca dương tính mới (F0)”.
Đó là lúc y tế cơ sở của chúng tôi nhận tin về các ca F0, F1, F2,… và thông tin vừa nhận được phải được chuyển tải đến ngay Đội phản ứng nhanh và vị trí trực của các trạm y tế phường. Các trạm y tế sẽ ngay lập tức gọi điện và đi xác minh thông tin ca mắc, hướng dẫn cách ly, lấy mẫu, khử khuẩn, chuyển bệnh viện cách ly đối với F1 và cách ly tại nhà với F2. “Nó nóng đặc biệt khi chúng tôi nghe thông báo có 1 ca F0. Báo động đỏ rung lên các đường dây, trang bị bảo hộ được mặc và ngay lập tức chúng tôi lên đường”.
Đó là vào đêm 18-3, ca F0 đó là của đồng nghiệp chúng tôi, một điều dưỡng BV Bạch Mai. Các cuộc điện thoại từ trên chỉ đạo xuống, từ Trung tâm chỉ đạo đi, từ UBND phường đề nghị phối hợp, từ TYT báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, rồi cả từ người dân lo lắng hỏi thông tin, rồi điện thoại gọi xe cấp cứu 115. Sau khi triển khai hệ thống báo động đỏ thì mọi việc cách ly, khử khuẩn được hoàn thành lúc gần 5g. Đội phản ứng nhanh của TTYT quận và trạm y tế phường tạm nghỉ để sáng mai lại tiếp tục xuống địa bàn điều tra tiếp và theo dõi sức khỏe của từng người trong các hộ gia đình đó. Đêm trời thì mưa rét nhưng điện thoại thì nóng rừng rực.
Bên cạnh đó, hàng ngày cứ vào tầm 19-20g, khi Bộ Y tế công bố các ca dương tính mới, đường dây nóng lại trở lên nóng đặc biệt từ lúc đó, thậm chí xuyên đêm. Cú điện thoại với giọng run run của 1 người đàn ông: “Chị ơi em là lái xe cấp cứu, em đã chở bệnh nhân số 133 từ BV Bạch Mai về Lai Châu”. Ngay lập tức, đường dây nóng đề nghị các thông tin ngắn gọn, hướng dẫn phòng hộ, cách ly tạm thời ngay tại chỗ để chờ cán bộ trạm y tế phường đến và các công việc cách ly, khử khuẩn được tiến hành suốt 1 đêm đến gần sáng. Đặc biệt “đường dây nóng” nóng hơn bao giờ hết khi BV Bạch Mai và Cty Trường Sinh đã trở thành ổ dịch. Thông báo của UBND TP Hà Nội được đưa ra, ngay hôm ấy đường dây nóng bắt đầu nhận được thông tin: “Con tôi đã từng làm lao công ở khoa có bệnh nhân 133”; “người nhà tôi đã từng nằm ở BV Bạch Mai”.
Đường dây nóng liên tục liên tục nhận được vô vàn các cuộc gọi, cuộc gọi này chưa kết thúc đã có cuộc gọi chờ. Đường dây nóng vừa mệt, vừa đau đầu, vừa lo lắng. Đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, đường dây nóng lại nhận vô vàn các thông tin: Khu chợ nọ vẫn tập trung đông người, nhiều người không đeo khẩu trang; nơi nọ, nhà kia có người đi nước ngoài về không hiểu đã khai báo chưa; chỗ kia cư dân có hiện tượng kỳ thị người nước ngoài…
Điện thoại từ UBND các phường đề nghị tư vấn chuyên môn các trường hợp cụ thể: Lấy mẫu không? cách ly không?, làm gì nữa? họ không chịu đi bệnh viện, họ lại đòi đi bệnh viện, làm gì đây chị ?... muôn hình vạn trạng các thông tin. Khi qua nhiều thông tin khiến “đường dây nóng” cũng cảm thấy “ong đầu quá, mệt mỏi quá khi người dân hoặc lo lắng quá gọi điện hỏi tất cả mọi thứ có thể hỏi: Làm gì, ăn gì”; kiến nghị rằng vẫn nhìn thấy một “ông tây” trong tòa nhà”. Hoặc người dân lại chủ quan, coi thường quá: “Tôi chả làm sao, tôi chả phải xét nghiệm, tôi chả phải cách ly”. Thậm chí, “hôm nay mùng 1, mai cho tôi lấy xét nghiệm được không”.
Với những tình huống này, cán bộ trực đường dây nóng phải thốt lên: Trời ạ, trong trường Y có thầy nào dạy chúng tôi giải quyết những tình huống này đâu nhỉ? Đau đầu quá đi, chỉ muốn cho điện thoại vào ngăn đá cho bớt nóng.
Những đường dây nóng cũng thật nhẹ lòng khi nhận được thông báo kết quả xét nghiệm âm tính. Mỗi một kết quả xét nghiệm âm tính làm chúng tôi vui như chính mình âm tính vậy, mừng cho dân, mừng cho cộng đồng và cũng mừng cho cả y tế mình nữa.
Tin nhắn như những cánh chim hòa bình bay về: “Em cám ơn chị, mừng quá em âm tính rồi”; “Chị ơi em hết 14 ngày cách ly rồi, sức khỏe tốt chị ạ”; “Chị ơi toàn bộ phòng khám em, F1, F2 đã được xử lý xong, phun khử khuẩn rồi và hôm qua kết quả đã âm tính rồi chị ạ”; “Chị ơi cán bộ 115 của em đã âm tính, chúng em cám ơn chị nhiều”…
Khi nhận những thông tin ấy làm cho “đường dây nóng” mềm lòng và lại tiếp tục công việc của mình. Đặc biệt, “đường dây nóng cảm động đến tan chảy” khi nhận được những cú điện thoại yêu thương: “Chị ơi bọn em muốn hỗ trợ cán bộ y tế, chúng em gửi các bạn đội phản ứng nhanh sữa, gạo và 1 ít đồ ăn nhé”; “Chị ơi bọn em đang làm mặt nạ lynon để bảo vệ các chị khi đi điều tra, các chị cần bao nhiêu để cư dân Time City làm?”; “Mình sẽ có tình nguyện viên hỗ trợ nhé và đi kèm là khẩu trang y tế, gạo, và muối vừng nhé”…
Những sự chia sẻ ấm khiến người trực đường dây nóng lại quên đi mệt nhọc: Đấy đường dây nóng thế đấy, có yêu, có ghét, có vui, có buồn. Có những lúc đau đầu, mệt mỏi chỉ muốn buông, rồi lại nghĩ lại, lại được động viên, lại xốc lại tinh thần.