Linh cho biết, sách giấy đã trở thành một phần trong cuộc sống và cứ đều đặn hàng tháng, Linh lại mua thêm vài cuốn sách mới. Đối với Linh, việc đọc sách giấy vẫn mang lại nhiều cảm xúc hơn là sách điện tử.
Giới trẻ vẫn thích đọc sách giấy hơn.
Sách giấy vẫn được ưu ái…
Trên thực tế, giới trẻ hiện nay vẫn chuộng đọc sách giấy hơn sách điện tử. Nhóm nghiên cứu Picodi đã tiến hành một cuộc khảo sát liên quan đến thói quen đọc sách và mua sách của người Việt và một số quốc gia khác. Khảo sát được thực hiện vào tháng 3/2019 và thu về kết quả từ 7.800 người đến từ 41 quốc gia.
Kết quả cho thấy, 54% người được hỏi đã mua sách giấy tại cửa hàng truyền thống và 29% đặt mua sách giấy tại cửa hàng sách online. Trong khi đó, tỷ lệ người mua sách ebook và sử dụng nền tảng đọc sách online có trả phí đều chỉ chiếm 1%.
Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho điều này. Trước tiên, yếu tố tâm lý có ảnh hưởng lớn đến sở thích đọc sách của người trẻ. GS Sabrina Helm, một thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học Arizona (Mỹ) cho biết: “Quyền sở hữu về mặt tâm lý rất quan trọng trong nhận thức của mọi người khi họ đánh giá một số sản phẩm, dịch vụ hoặc đối tượng nhất định. Khi đánh giá các sản phẩm kỹ thuật số, nhiều người cho rằng ebook chỉ giống như một tệp tin trên máy tính”.
Nhiều người trẻ cho biết, họ có cảm giác bị hạn chế quyền sở hữu khi dùng sách điện tử so với sách thực. Họ không thể sao chép văn bản trên sách điện tử vào thiết bị khác, gặp khó khăn khi chia sẻ sách điện tử với bạn bè, cho tặng hay bán chúng. Ngược lại, sách giấy lại mang lại quyền sở hữu rất rõ ràng.
Về cảm xúc mang lại cho người đọc, sách giấy cũng được đánh giá cao hơn. Các bạn trẻ thổ lộ họ có nhiều cảm xúc với sách giấy hơn và họ thường sử dụng sách giấy để thiết lập cảm giác về bản ngã và sự gắn bó. Những người tham gia khảo sát đều thể hiện cảm giác và nỗi nhớ đối với những cuốn sách thời thơ ấu - âm thanh lật sách, mùi giấy mới, cảm giác trên ngón tay khi mở một trang sách, ưu điểm của sách giấy khi cần ghi chú hay đánh dấu các câu từ.
Tài khoản ZzCapuchino chia sẻ: “Cầm quyển sách, ngồi lật từng trang nghe xẹt xẹt, rồi cái mùi giấy nữa, nó làm mình có hứng thú hơn là cầm cái máy đọc, mà riêng mình thấy đỡ mỏi mắt hơn nữa”.
Tài khoản Đại Bàng cũng đồng tình: “Mình cũng thích sách giấy. Vì nó không đơn giản chỉ là đọc sách mà nó còn đem lại 1 cảm giác hoài niệm về tuổi thơ, cái thời thỉnh thoảng mới được mua 1 cuốn hay mượn được bạn để đọc. Chứ con mọt sách như mình đã đọc cả máy đọc sách, điện thoại, tablet và đều đánh giá không sướng bằng đọc sách giấy”.
Cùng với yếu tố tâm lý, thói quen đọc sách cũng là điều khiến giới trẻ “mặn mà” với sách giấy hơn. Tiến sĩ Vũ Thùy Dương – Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Việt Nam chúng ta đi sau thế giới rất lâu, người Việt vẫn đang quen với cách đọc truyền thống. Bên cạnh đó, độc giả Việt vẫn có thói quen sử dụng sách điện tử miễn phí, mà đa phần sách miễn phí đều là sách lậu, không có bản quyền. Vì vậy, sách giấy vẫn chiếm ưu thế hơn trong thói quen đọc sách của người trẻ Việt hiện nay”.
Về tính hiệu quả khi đọc sách, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc đọc sách giấy sẽ giúp ghi nhớ lâu hơn. Tờ Guardian đã báo cáo về một thí nghiệm từ Na Uy: mọi người được tặng một câu chuyện ngắn để đọc trên kindle hoặc trong một cuốn sách bìa mềm; khi họ được hỏi sau đó, những người đọc sách bìa mềm có thể nhớ các điểm cốt truyện theo đúng thứ tự hơn.
Nhưng ebook là xu hướng tất yếu
Dù sách giấy vẫn chiếm ưu thế trong thói quen đọc sách của người trẻ Việt nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, sách điện tử sẽ sớm phổ biến trong tương lai gần. “Sách điện tử là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đối với ngành xuất bản thế giới, sách điện tử đã phổ biến rất lâu nhưng với Việt Nam thì chưa.
Trong 5 năm trở lại đây, sách điện tử được phổ biến rất tốt ở các đơn vị xuất bản, công ty xuất bản. Nhìn vào con số phát hành sách điện tử của các đơn vị có thể thấy rằng sách điện tử đang tạo lập thị trường riêng tương đối vững chắc”, Tiến sĩ Thùy Dương cho biết.
Nhưng ebook là xu hướng tất yếu.
Nhìn vào thực tế có thể thấy, một bộ phận giới trẻ đã dần làm quen với các thiết bị như kindle hay ứng dụng đọc sách. Thúy Vân – sinh viên năm 3, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dành phần lớn thời gian ở đại học cho việc đọc sách điện tử.
Trước đây, Vân rất thích đọc sách giấy, từng mê mẩn những cuốn tiểu thuyết hàng trăm chương của Trung Quốc. Nhưng hiện tại do ở xa nhà, kí túc xá của trường lại không được rộng rãi nên Vân đã làm quen với ebook và dần yêu thích nó.
Mình đã bắt đầu đọc sách điện tử được 2 năm rồi và cũng đã mua thêm thiết bị kindle paperwhite để đọc sách. Nhiều người nói rằng việc bỏ ra 3 triệu để đọc sách là lãng phí nhưng mình cảm thấy không hề hối tiếc. Mình có thể tìm hàng trăm đầu sách chuyên ngành tiếng Hàn đang theo học và có thể đọc bất kỳ nơi đâu, việc đó rất tiện dụng”, Vân chia sẻ.
Xét trên mặt lợi ích, sách điện tử giúp người đọc, nhất là đối tượng sinh viên, học sinh tiết kiệm chi phí tương đối lớn. Thanh Lan, sinh viên chuyên ngàng Xuất Bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, với 50.000 – 100.000 đồng/tháng, người đọc có thể tiếp cận hàng trăm đầu sách cả trong và ngoài nước. Con số này chỉ bằng 1 nửa so với chi phí bỏ ra để sở hữu một cuốn sách thực.
Đối với nhiều độc giả trẻ ít đọc sách, họ thường chọn lựa đọc sách điện tử. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thư viện & Nghiên cứu Khoa học Thông tin cho thấy trong số 143 học sinh lớp 10, hầu hết đều chuộng máy đọc sách điện tử hơn.
“Một máy đọc sách điện tử có nhiều điểm tương đồng với các thiết bị điện tử mà giới trẻ sử dụng mọi lúc, như điện thoại thông minh hoặc iPad, hơn là một cuốn sách giấy, khi nói đến việc lật các trang, khả năng điều chỉnh kích thước phông chữ, v.v...” tác giả chính của bài nghiên cứu, Åse Kristine Tveit, cho biết.
Bên cạnh đó, những người theo lối sống tối giản có sở thích đọc sách điện tử vì chúng chiếm ít không gian hơn.
Tại Trung Quốc, giới trẻ rất ưa chuộng sách điện tử và sách nói vì tính tiện lợi. Tuy phát triển muộn hơn sách điện tử, nhưng sách nói đang chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa đọc của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Thông qua sách nói, nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Trung Quốc được chú ý nhiều hơn, thậm chí trở thành những nội dung được đón nhận nồng nhiệt nhất với hàng chục triệu lượt nghe và chia sẻ. Sách nói đang ngày càng trở nên hấp dẫn thính giả do kết hợp cốt truyện với âm thanh.
Như vậy, sự phát triển rộng rãi của sách điện tử trong tương lai là điều có thể dễ dàng nhìn thấy. Sách điện tử sẽ không chỉ còn là những dòng chữ đơn điệu trên màn hình đọc mà sẽ có sự xuất hiện của các thành phần đa phương tiện kết hợp công nghệ thực tế ảo và thực tại tăng cường.
Có thể thấy, tuy sách truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ cao ở Việt Nam nhưng sách điện tử chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai. Những nhà xuất bản có tiềm lực mạnh đều đã triển khai sách điện tử, mảng sách điện tử cũng góp phần khẳng định thương hiệu cho các nhà xuất bản khi giao dịch nước ngoài”, Tiến sĩ Thùy Dương nhận định.
Dù đọc sách bằng loại hình nào, mục đích cao nhất của việc đọc sách vẫn là tiếp thu kiến thức, tức là sự chủ động của người đọc đối với thông tin trong sách. Nói cách khác, công nghệ có thể giúp người trẻ đón nhận các cuốn sách mới một cách dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng hơn nhưng không thể thay đổi bản chất của việc đọc sách luôn là sự nghiền ngẫm, chiêm nghiệm và trau dồi tri thức qua từng câu chữ để tăng thêm hiểu biết, tăng thêm giá trị cho bản thân độc giả.
Hà Trang - Pháp luật Plus