Sau hơn 2 tháng căng mình chống dịch, từ ngày 20/9, tỉnh đã chuyển sang trạng thái sống chung với dịch, nhưng sẽ kiểm soát chặt để không ảnh hưởng lớn đến người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu của địa phương là thúc đẩy các phương án phục hồi kinh tế trong bối cảnh phải dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch bệnh. Giải pháp được xem là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp tái khởi động trở lại, đó là tiêm vắc-xin cho công nhân lao động. Chính quyền đang tăng tốc phủ nhanh nhất có thể, tuy nhiên, tiến độ gặp khó khăn do chưa được Bộ Y tế cung ứng kịp thời lượng vắc-xin cần thiết trong thời điểm này.
Tăng tốc phủ nhanh vắc xin cho công nhân lao động
2.000 công nhân Công ty CP Taekwang Vina Industrial, KCN Biên Hòa II (Đồng Nai) được tiêm mũi 2 vắc xin ngừa Covid- 19 vào sáng ngày 26/9. Trước đó, hơn 13.000 trong số 32.000 người lao động công ty này đã sớm tiêm mũi 1 tập trung.
Ông Phan Tấn Học, Giám đốc Kỹ thuật của Taekwang Vina cho biết, doanh nghiệp còn thiết lập một bộ phận nhân sự để tương tác, hướng dẫn cho tất cả công nhân công ty của mình đang ở nhà được tiếp cận tiêm chủng kịp thời theo kế hoạch ở địa phương nơi sinh sống. Anh chị em công nhân nhanh chóng gửi thông tin về phía công ty cập nhật. Nhờ cách làm đó mà đến nay, 92% công nhân Taekwang Vina đã hoàn thành mũi 1 vắc xin ngừa Covid– 19, một tỷ lệ cao hơn hẳn so với mặt bằng chung bao phủ vắc xin của các doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai vào thời điểm hiện tại. Tiến độ tiêm mũi 2 cũng đang được doanh nghiệp tích cực đốc thúc, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiến hành.
2.000 công nhân Công ty CP Taekwang Vina Industrial, KCN Biên Hòa II (Đồng Nai) được tiêm mũi 2 vắc xin ngừa Covid – 19.
Chị Nguyễn Huỳnh Kim Nguyên, công nhân Công ty Taekwang Vina cho biết, được tiêm mũi 2 là may mắn đối với bản thân chị và đông đảo đồng nghiệp, mở ra cơ hội trở lại làm việc sau hơn 2 tháng nhà máy tạm ngưng hoạt động.
Việc ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng công nhân đang được tỉnh Đồng Nai tăng tốc đẩy mạnh những ngày gần đây, trong nỗ lực sớm mở cửa sản xuất kinh doanh trở lại. Điển hình như Tập đoàn Phong Thái có tới 65.000 lao động làm việc ở nhiều công ty con trên địa bàn hai huyện Trảng Bom và huyện Xuân Lộc. Nếu như cách đây một tuần, mới chỉ có khoảng 26% trong tổng số công nhân được tiêm mũi 1 tại KCN Sông Mây, thì đến ngày 25-9 đã tăng gần 3 lần ở con số 70%.
Chia sẻ thông tin này, ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái hy vọng đơn vị sẽ sớm chấm dứt gánh nặng đóng cửa vì dịch bệnh mà vẫn phải trả lương cơ bản cho người lao động lên đến 388 tỉ đồng trong 2 tháng tạm ngừng việc vừa qua.
Không riêng gì ông Thanh, mà CEO tất cả các doanh nghiệp ở Đồng Nai đều mong muốn chính quyền nhanh chóng phủ vắc xin cho toàn bộ 100% công nhân, để sớm trở lại sản xuất an toàn.
Vắc xin – “áo giáp” cho công nhân “ra trận
Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban đánh giá lại một tuần thực hiện Kế hoạch số 11102 về việc từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống COVID- 19 trong tình hình mới của tỉnh Đồng Nai diễn ra vào chiều 25/9, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do tỉ lệ người lao động được tiêm vắc xin rất thấp, dẫn đến thiếu hụt lao động vận hành dây chuyền sản xuất, không đáp ứng được đơn hàng cho đối tác. Nguy cơ mất khách hàng ngày càng hiện rõ, khiến không ít chủ doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.
Việc trang bị “áo giáp” vắc-xin cho người lao động để họ tự tin “ra trận” là yêu cầu đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.
Mục tiêu của Đồng Nai là thúc đẩy các phương án phục hồi kinh tế trong bối cảnh phải dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, tiêm vắc xin vẫn là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19. Theo đó giao cho doanh nghiệp quyền chủ động thực hiện phương án bảo đảm an toàn sản xuất mà UBND tỉnh Đồng Nai mới ban hành cách đây không lâu. Điều này khiến kế hoạch khởi động lại sản xuất của nhiều doanh nghiệp không mấy dễ dàng xoay xở. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân lao động còn chậm, chỉ một lượng nhỏ công nhân được tiêm mũi 1 nhưng chưa rõ thời gian tiêm mũi 2.
Chị Ngô Kim Nhung, công nhân Công ty TNHH Marigot Việt Nam (Khu công nghiệp Amata) bày tỏ mong muốn sớm được tiêm vaccine đủ 2 mũi để trở lại nhà máy làm việc, có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình, bởi không thể mãi ở nhà nhận đồ cứu trợ.
Phản hồi vấn đề tiêm vắc xin cho công nhân, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết từ đầu Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch chiến lược ưu tiên tiêm cho doanh nghiệp "3 tại chỗ" và tiêm vắc xin phủ rộng để dập dịch. Tuy nhiên, về thời gian, phụ thuộc nhiều vào Bộ Y tế phân bổ vắc xin về địa phương.
“Chúng tôi cam kết đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin là lực lượng công nhân, các chuyên gia, lao động nước ngoài", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo tinh thần mỗi doanh nghiệp là một pháo đài chống dịch và sản xuất kinh doanh, mỗi công nhân là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch và trong sản xuất, như thông điệp Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu, thì rõ ràng, việc trang bị “áo giáp” vắc-xin cho người lao động để họ tự tin “ra trận” là yêu cầu đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.
Địa bàn Đồng Nai hiện có trên 1,2 triệu công nhân lao động, đông nhất nhì cả nước. Theo số liệu phóng viên ghi nhận ở thời điểm một tuần trước, toàn tỉnh có hơn 1,2 ngàn doanh nghiệp được phê duyệt phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Tại các khu công nghiệp, có 1.254 DN/1.715 doanh nghiệp đã được phân bổ vaccine phòng Covid-19 với gần 226,3 ngàn người được tiêm, đạt tỷ lệ gần 36%
|
Đức Nghĩa - Hiếu Nghĩa - Pháp luật Plus