Đừng biện bạch “cuồng chân”
Kinhte&Xahoi
Tối 21/9, lấy cớ “cuồng chân”, “vui Trung thu”, nhiều nghìn người đổ về các tuyến phố trung tâm Hà Nội, dẫn đến tình trạng ùn tắc một số nơi; đi chỉ để “cho vui”, “đánh bóng mặt đường”, “lượn một vòng hồ".
Tối 21/9, nhiều ngàn người đổ về các tuyến phố trung tâm Hà Nội.
Gần nửa năm trước đây, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5/2021, sau một thời gian hạn chế một số hoạt động trong đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần 3, nhiều người dân một số tỉnh phía Nam đã “xả stress” bằng cách ùn ùn kéo nhau đi du lịch. Những đoàn xe tắc dài nhiều km trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây giữa đêm; khắp các điểm du lịch chật cứng người vai kề vai hớn hở…
Sau kỳ nghỉ, những đoàn xe lại rồng rắn ken cứng về Sài Gòn. Đợt cao điểm du lịch tự phát ấy có thể là một trong những tác nhân đã lây lan mầm bệnh, hỗ trợ con virus biến thể Delta lặng lẽ ăn sâu trong cộng đồng, đợi đủ điều kiện là bùng phát hoành hành… Sài Gòn oằn mình trước sự tấn công kinh hoàng của dịch bệnh. Nhiều ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn người nhiễm COVID-19. Tất cả những cuộc vui du lịch, cuộc chơi “xả stress”, tiền bạc, công danh đều có thể trở thành phù phiếm, vô nghĩa. Với những người nhiễm COVID-19, được thở bình thường đã là niềm hạnh phúc.
Những ai sống ở Sài Gòn những ngày tháng phập phồng hồi hộp ấy, mới có thể cảm nhận được rằng rồi sẽ phải mất một thời gian nữa, không biết bao lâu, mới có thể trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Còn cuộc sống như xưa sẽ không còn nữa, khi khoa học chưa tìm ra thuốc đặc trị COVID-19. Ngày 21/9 vừa qua, rất nhiều người ở các điểm nóng dịch bệnh thậm chí quên rằng trong năm còn có một ngày gọi là Tết Trung thu. Cuộc sống ở những nơi này, quan trọng nhất là tránh nhiễm bệnh.
Rút bài học kinh nghiệm từ những địa phương bệnh dịch hoành hành, Trung ương và Hà Nội đã triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt, chấp nhận đánh đổi kinh tế bảo vệ sức khỏe nhân dân: Phong tỏa chặt, tầm soát nhiều triệu người, tiêm vắc xin toàn dân, tuyên truyền sâu rộng… Chính phủ thậm chí huy động lực lượng y tế các địa phương lân cận hỗ trợ Thủ đô phòng chống dịch.
Thế nhưng có một điều không lường được là vấn đề ý thức một số người dân. Tối 21/9, lấy cớ “cuồng chân”, “vui Trung thu”, nhiều ngàn người đổ về các tuyến phố trung tâm Hà Nội, dẫn đến tình trạng ùn tắc một số nơi; đi chỉ để “cho vui”, “đánh bóng mặt đường”, “lượn một vòng hồ”… Tại một số cửa hàng tạp hóa, đồ uống mở bán mang đi, đông nghẹt người.
Các chuyên gia khẳng định Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh khó lường, trong thực tế rất khó tách triệt để F0 khỏi cộng đồng. Lãnh đạo TP, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đều nhận định kết quả chống dịch TP đạt được thời gian qua mới chỉ là bước đầu. TP còn nhiều nguy cơ hiện hữu và dịch bệnh có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào. Nếu trong đám đông tối 21/9 tại Hà Nội, có một F0 với chủng Delta, sẽ rất dễ lây lan sang những người khác, rất khó truy vết, không biết ai tiếp xúc với ai. Nếu có chuyện không may, lại giãn cách theo Chỉ thị 16, một lần nữa gây tốn kém nhiều nguồn lực, ảnh hưởng kinh tế, xã hội, đời sống tất cả mọi người.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định những người ra đường “vui Trung thu” đã vi phạm các quy định phòng chống dịch khi toàn TP vẫn áp dụng nguyên tắc Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Hành động này cũng thể hiện thái độ chủ quan, thiếu trách nhiệm với sức khỏe, an toàn, tính mạng của bản thân, cộng đồng, nhất là với trẻ em. Những hành động này đe dọa trực tiếp đến công sức chống dịch suốt thời gian qua của TP.
Nếu sự chủ quan, lơ là, lạc quan thái quá của một số người dân vẫn còn, nguy cơ bùng phát dịch vẫn thường trực. Kết quả phòng chống dịch chỉ có thể đạt được nếu tất cả người dân cùng đồng lòng, tự giác, tự nguyện thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch.
Việc dòng người đổ xuống các tuyến phố nội đô Hà Nội tối 21/9 cũng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác khi mở cửa trở lại; cần có kịch bản, lộ trình phù hợp, tính toán tác động của chính sách và vẫn phải đặt yếu tố an toàn lên trên hết.
Minh Khang - Pháp luật Plus