Gian nan đi làm giấy xác nhận độc thân
Kinhte&Xahoi
Xác nhận tình trạng hôn nhân là thủ tục hành chính bắt buộc khi người dân muốn đăng ký kết hôn hoặc làm thủ tục chuyển dịch tài sản. Một thủ tục xem ra rất dễ dàng thế nhưng ở mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau nên đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân.
Người dân đợi làm thủ tục hành chính tại UBND xã Đồng Phú, huyện Long Hồ.
Bà PTMH, 52 tuổi, ngụ tại xã Đông Thành, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, do có nhu cầu đăng ký kết hôn nên đã đến UBND xã Đông Thành làm thủ tục. Tại đây, công chức Tư pháp-Hộ tịch (TP-HT) xã hướng dẫn bà H về địa phương nơi bà sinh sống trước khi chuyển hộ khẩu về xã Đông Thành xin xác nhận tình trạng hôn nhân thì địa phương mới có cơ sở cấp giấy đăng ký kết hôn cho bà.
Ngày 19/3/2021, bà H đến UBND xã Đồng Phú, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nơi mà bà H sinh sống từ nhỏ đến năm 2017. Tại đây, do bà Nguyễn Thị Chúc, công chức TP-HT nghỉ thai sản nên bà Đỗ Thị Thanh Trực làm thay nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục TP-HT. Bà Trực đưa cho bà H mẫu tờ khai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và yêu cầu đến gặp Trưởng ấp xin xác nhận.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ấp Thuận Long, xã Đồng Phú ký tên xác nhận cho bà H với nội dung: “Bà PTMH, sinh năm 1969, từ nhỏ đến năm 2017 là độc thân, chưa đăng ký kết hôn với ai là đúng sự thật”. Thế nhưng, khi bà H quay lại UBND xã gặp bà Trực thì bà bảo ngồi chờ. Sau khi tìm hồ sơ cá nhân của bà H thì bà Trực phát hiện vào năm 2010 bà H có làm khai sinh cho đứa con tại UBND xã Đồng Phú. Bà Trực yêu cầu bà H phải cung cấp giấy khai sinh của con mình thì mới đủ điều kiện để UBND xã xác nhận tình trạng hôn nhân.
Tuy nhiên, khi người dân hỏi căn cứ vào pháp luật nào thì bà Trực không trả lời mà gọi điện thoại cho bà Chúc. Bà Chúc không nói được cụ thể văn bản nào quy định mà cho rằng bà hiểu vậy nên làm vậy và tắt điện thoại.
Bà H cho rằng: “Việc có con ngoài giá thú là quyền của công dân được pháp luật thừa nhận và cho phép làm Giấy khai sinh, nhưng điều đó không liên quan gì đến tình trạng độc thân của bà. Việc công chức xã bắt buộc bà phải cung cấp giấy khai sinh con để xác nhận tình trạng hôn nhân của mẹ là vi phạm đến quyền riêng tư của bà”.
Một trường hợp khác, bà Châu Thị Bích L. ngụ tại đường Phạm Ngũ Lão, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đến UBND phường Thới Bình làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau khi nộp tờ khai, công chức TP-HT yêu cầu bà L phải về quê trước đây của bà L để xác nhận tình trạng hôn nhân từ lúc 18 tuổi đến khi nhập hộ khẩu về phường Thới Bình. Bà L đã về Hậu Giang (quê quán) và UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều (nơi tạm trú) để xin xác nhận.
Thế nhưng, khi đã thực hiện xong thủ tục này thì bà L vẫn không được phường Thới Bình xác nhận tình trạng hôn nhân. Công chức TP-HT phường này lý giải rằng: Vì bà L có con đang theo học trên địa bàn phường Thới Bình, có con thì phải có chồng nên không xác nhận tình trạng hôn nhân được.
Cũng như bà H, bà L cho rằng, từ trước tới nay bà không có chồng, việc tôi có con là chuyện bình thường, pháp luật không cấm người phụ nữ không chồng có con. Do đó, cán bộ tư pháp dựa vào việc tôi có con đang học tại phường Thới Bình nên không xác nhận tình trạng hôn nhân là không đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, từ lúc tôi đăng ký thường trú tại phường Thới Bình từ ngày 11/6/2011 đến nay tôi chưa đăng ký kết hôn với bất kỳ ai tại đây. Tại sao cũng là cơ quan Nhà nước cấp phường như nhau mà UBND phường An Cư xác nhận cho bà còn UBND phường Thới Bình không xác nhận được. Cán bộ tư pháp phường Thới Bình cố tình làm khó dân hay là không nắm được quy định của pháp luật hoặc là các phường, xã khác đã làm sai.
Luật sư Trần Văn Sĩ.
Trao đổi về vấn đề, Luật sư Trần Văn Sĩ, Đoàn Luật TP. Cần Thơ - Giám đốc Công ty Luật TNHH STDT, nhận định: “Theo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch; Khoản 2, Điều 3 và Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT/BTP của Bộ Tư pháp ban hành ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ - CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch… thì việc công chức Tư pháp xã yêu cầu bà H cung cấp giấy khai sinh của con bà H mới được xác nhận tình trạng hôn nhân là không đúng quy định pháp luật. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm tiếp nhận đúng, đủ hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của Pháp luật hộ tịch, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm giấy tờ mà pháp luật hộ tịch không quy định phải nộp.
Thiết nghĩ, lãnh đạo ngành Tư pháp các địa phương cần rà soát lại các văn bản của pháp luật về cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cũng như bố trí cán bộ có trình độ kiến thức về pháp luật liên quan để giải quyết đúng các trường hợp cần xác nhận, tránh gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân.
Link gốc: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/gian-nan-di-lam-giay-xac-nhan-doc-than-76343.html
Theo Trần Cửu Long / Công lý và xã hội